Lò Thị Loan

Tranh chấp đất đai do tổ tiên để lại xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn về việc đã rút đơn khởi kiện tranh chấp đất đai thfi có quyền khởi kiện lại hay không? Cụ thể như sau:

  

Nội dung yêu cầu tư vấn: KÍnh gửi văn phòng tư vấn luật Minh Gia! Tôi xin được văn phòng luật sư tư vấn về việc tranh chấp đất đai như sau: Ông bà nội của chồng tôi có 6 người con, 2 trai, 4 gái (1 người con gái đã mất nhưng có 2 cháu gái). Năm 1993, ông nội chồng tôi xin UBND xã thêm một mảnh đất (460m2) để cho người con trai thứ hai ra ở riêng. Còn mảnh đất của ông bà nội (800m2) để lại cho bố chồng tôi, ông bà vẫn sống cùng bố mẹ chồng tôi. Ngày 20/6/1993, đồng thời cả mảnh đất của bố chồng tôi, đất của người chú và đất ruộng của bà tôi đều được cấp trích lục đất một ngày.Kể từ đó, các người con trong gia đình không ai có ý kiến gì. Đến năm 1994 thì ông nội chồng tôi mất. Từ năm 2011, người chú sa vào bài bạc bán mất đất đai, nhà cửa và quay lại đòi bà nội chia đất, nhưng bà không cho. Trong cuộc họp gia đình bà đã nói rõ là để lại đất đai cho bố chồng tôi vì ông là con trưởng, nuôi dưỡng bà và lo thờ cúng, chú đã có đất đai không giữ được thì phải chịu. Lời của bà được viết tay, tuy nhiên không có dấu xác nhận, chỉ có những người trong gia đình làm chứng.Sau đó, chú liên tục quấy rối và nói đợi bà mất sẽ kiện ra tòa. Năm 2014, sau khi bà nội chồng tôi mất, chú lôi kéo hai người cô đâm đơn khởi kiện đòi chia tài sản thừa kế.Sau gần 1nam kéo dài vụ án, chú rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, ngay sau đó tiến hành nộp đơn khởi kiện lại.

Vậy tôi xin văn phòng luật sư giải đáp giúp chúng tôi một số vấn đề sau: 1. Giấy chứng nhận sử dụng đất của bố chồng tôi được cấp cùng ngày, tháng , năm với giấy chứng nhận quyền sử đụng đất của chú, giấy chứng nhận ruộng của bà nội cấp ngày 20/6/1993 có hợp pháp không/ Việc chú yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố chồng tôi có căn cứ không? 2. việc chú nộp đơn kéo dài vụ án cả năm trời, sau đó rút đơn rồi nộp lại có hợp pháp không? 3. Để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của bố chồng tôi, chúng tôi cần phải tiến hành những thủ tục gì?

Tôi xin trân trọng cảm ơn Văn phòng luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn dã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất:  về giá trị pháp lý của di chúc.

 

  Điều 652. Di chúc hợp pháp - Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau: 

1.Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

....."

 

Như vậy căn cứ vào khoản 1 của điều 652 Bộ luật dân sự 2005, di chúc của bà nội chồng của bạn là hợp pháp, theo đó việc phân chia di sản thừa kế của bà được thực hiện theo nội dung của di chúc đã lập. Do đó, việc người chú khởi kiện để tranh chấp di sản thừa kế là không có căn cứ.

 

 Thứ hai: giá trị pháp lý của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

 

Để xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố chồng bạn có hợp pháp hay không thì cần xem xét tại thời điểm năm 1993 việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đã đúng quy định của pháp luật hay chưa? Như bạn trình bày thì 2 diện tích đất của bố chồng bạn và người chú đều được cấp có thầm quyền công nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, quyền sử dụng đất của bố chồng bạn và chú chồng bạn đều hợp pháp. Việc người chú yêu cầu Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố chồng bạn là không có căn cứ

 

Thứ ba: Về việc người chú khởi kiện kéo dài và nộp đơn khởi kiện lại khi đã rút đơn.

 

Về việc khởi kiện kéo dài thực chất là do tính chất vụ việc phức tạp và thiếu sự hợp tác của các bên trong việc cung cấp chứng cứ và giải quyết vụ việc.

Về việc người chú đã rút đơn khởi kiện nhưng sau đó khởi kiện lại thì Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định như sau: 

 

Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự 

 

"1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật...."

 

Khoản 3 Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện

 

"...3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

 

a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

...."

 

Điều 217. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

 

"1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

 

....c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;..."

 

Theo đó, nếu người chú đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại thời điểm thụ lý vụ án thì chỉ có quyền khởi kiện lại nếu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 192.

 

Nếu người chú rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện sau khi Tòa án đã thủ lý vụ án và đang trong quá trình giải quyết thì người chú sẽ có quyền khởi kiện lại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 

 

Pháp luật cho phép đương sự được khởi kiện lại sau khi đã rút đơn khởi kiện. Song nếu đương sự vẫn tiếp tục thực hiện việc rút đơn sau đó khởi kiện lại thì đương sự phải tự chịu thiệt hại về vấn đề án phí khi khởi kiện tranh chấp về tài sản. 

 

Tuy nhiên, việc khởi kiện tại Tòa án cần phải có căn cứ. Tức là người khởi kiện phải chứng minh quyền khởi kiển với Tòa án. Trong trường hợp của bạn, di chúc và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thể hiện tương đối rõ ràng về quyền của bố chồng bạn với tài sản đang tranh chấp. Do đó, nếu người chú tiếp tục khởi kiện nhưng không chứng minh được có quyền khởi kiện thì Tòa án sẽ bác đơn khởi kiện. 

 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bố chồng bạn cần có các giấy tờ chứng quyền của mình đối với tài sản: Di chúc; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất....

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp đất đai do tổ tiên để lại xử lý thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Nguyễn Thúy – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo