Hoài Nam

Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam không? Pháp luật quy định về điều kiện chuyển nhượng như thế nào? Thủ tục khi chuyển nhượng gồm những gì?

Câu hỏi tư vấn: Tôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch. Trước khi nhập quốc tịch, tôi có mua một mảnh đất ở Việt Nam và bây giờ muốn chuyển nhượng lại cho em trai của mình nhưng không có chứng minh thư Việt Nam chỉ còn hộ khẩu tại Việt Nam. Xin hỏi tôi có thể chuyển nhượng cho em trai của mình không? Và cần những thủ tục, giấy tờ pháp lý gì? Xin cảm ơn.

Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Bạn là người gốc Việt Nam và hiện đang cư trú, nhập quốc tịch nước ngoài nên bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thứ nhất, về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 188 Luật Đất đai năm 2013:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo đó, nếu bạn đáp ứng đủ 04 điều kiện nêu trên thì bạn sẽ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thứ hai, về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Bước 1: Công chứng hợp đồng ủy quyền

Nếu bạn có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam thì bạn cần về Việt Nam để thực hiện thủ tục chuyển nhượng. Trường hợp bạn không về được thì bạn phải có văn bản ủy quyền gửi về Việt Nam để người khác thực hiện thủ tục theo sự ủy quyền thay cho bạn.

Theo quy định tại Điều 55 Luật Công chứng năm 2014:

Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền

1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Theo đó nếu bạn đang không ở Việt Nam, bạn cần đến tổ chức hành nghề công chứng ở nước ngoài để làm văn bản ủy quyền sau đó gửi về Việt Nam, người được ủy quyền tiếp tục công chứng vào hợp đồng ủy quyền này tại tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú.

Bước 2: Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Theo quy định của Luật Đất đai, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.

Hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
  • Dự thảo hợp đồng;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Trường hợp người được ủy quyền đến yêu cầu công chứng thì phải xuất trình hợp đồng ủy quyền đã được công chứng. Thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi có đất.

Bước 3: Kê khai và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Do đây là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh trai và em trai nên bạn là bên chuyển nhượng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, em trai bạn là bên nhận chuyển nhượng sẽ được miễn lệ phí trước bạ. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế.

* Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân theo quy định gồm:

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu 03/BĐS-TNCN;

- Bản chụp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Hợp đồng chuyển nhượng bất động sản;

- Các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế (nếu có).

Nộp hồ sơ tại Chi cục thuế nơi có đất.

* Hồ sơ kê khai lệ phí trước bạ nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất gồm:

- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu số 01.

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh tài sản (hoặc chủ tài sản) thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có), trừ trường hợp nộp bản chính.

- Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Bản sao hợp đồng chuyển nhượng.

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký biến động

Sau khi hoàn tất các bước nêu trên, bạn nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu đăng ký biến động tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ. Thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không quá 10 ngày.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo