Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính?

Câu hỏi: Gia đình anh A tranh chấp đất đai với gia đình tôi, ngày 02/6/1994 UBND huyện nơi tôi cư trú có ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và thành lập đội thi hành án các quyết định về đất đai huyện tổ chức thi hành quyết định 2 lần nhưng không thành do gia đình ông A không chấp hành

Từ khi quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND huyện được ban hành ông A không chấp hành quyết định cũng không có đơn khiếu nại gì, đến năm 2002 gia đình ông A mới có đơn khiếu nại Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai nhưng không được thụ lý do hết thời hạn khiếu nại. Ngày 16/4/2004 UBND huyện đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi căn cứ theo quy định tại điểm a, Điều 3, Chương 2 Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục địa chính về hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: "Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật" (thời điểm đó vẫn áp dụng Luật Đất đai 1993 vì đến ngày 01/7/2004 Luật Đất đai 2003 mới có hiệu lực thi hành). Đến thời điểm hiện tại gia đình ông A vẫn không trả lại quyền sử dụng đất cho gia đình tôi, tôi có làm đơn khời kiện đến Tòa án nhân dân huyện nhưng được Tòa án trả lời là đơn không thuộc thẩm quyền của tòa án do quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND huyện chưa được thực hành theo quy định tại khoản 5 điều 46 và khoản 5 điều 49 Luật Đất đai 2003 là "quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành" thì người sử dụng đất theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được đăng ký quyền sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đúng quy định pháp luật, đồng thời thực tế tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được sử dụng.

Vậy Luật sư có thể cho tôi hỏi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tôi khi đã có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND huyện nhưng chưa được thi hành tại thời điểm chưa áp dụng Luật Đất đai 2003 mà áp dụng theo Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 có đúng quy trình không? để được đòi lại đúng quyền lợi gia đình tôi phải gửi đơn đến cơ quan nào (UBND huyện hay TAND huyện) để được xem xét giải quyết?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo quy định tại khoản a, điều 3, chương 2 Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC:

"3. Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

a) Người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật".

Do vậy, việc ngày 16/4/2004 UBND huyện đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình anh khi quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực trên văn bản của UBND huyện (không phục thuộc trên thực tế tranh chấp đã được giải quyết hay chưa), vì vậy căn cứ theo quy định này là phù hợp và không trái với quy định của pháp luật.

Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính?

Quyết định hành chính

Về vấn đề cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

Việc cưỡng chế hành chính trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo pháp luật hiện hành, quy định tại thông tư số: 16/2010/TT-BTNMT về quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Biện pháp cưỡng chế trong trường hợp này được quy định tại điểm c, khoản 3, điều 3 Thông tư số: 16/2010/TT-BTNMT:

"Điều 3. Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai

3. Các biện pháp cưỡng chế khác để:

c) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm chất lượng đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất".

Thẩm quyền cưỡng chế trong trường hợp này được quy định tại Điều 4 thông tư số: 16/2010/TT-BTNMT:

"1. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại Điều 3 của Thông tư này có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới, bao gồm:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã); Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện); Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

b) Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường".

Do quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được chủ tịch UBND huyện ban hành nên đây cũng là người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính.

Vì vậy, trường hợp này anh có thể làm đơn đến chủ tịch UBND huyện để yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính với gia đình ông A trong trường hợp này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo