Trần Tuấn Hùng

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật

Luật sư tư vấn về vấn đề nhận chuyển nhượng đất của xã từ năm 1992 thì có được công nhận không? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Cụ thể như sau:

 

Xin hỏi luật sư.Năm 1990 gia đình tôi có mua một sào đất thổ cư của một gia đình khác cùng làng,đến năm 1992 UBND xã bán phần đất lưu không liền kề đất gia đình tôi làm đất dịch vụ,gia đình tôi và gia đình nhà bên cạnh bán đất thổ cư cho gia đình tôi đều mua đất nhà ai thẳng đâu thì mua đấy có giấy tờ mua bán và hóa đơn của xã cấp đầy đủ.phần đất dịch vụ đó là cái bờ ao và cái ao sát tỉnh lộ 419 bây giờ,sau khi mua gia đình tôi thuê nhân công mua đất chở về đắp bạ thêm vào cái bờ ao đó.gia đình tôi sử dụng ổn định phần đất dịch vụ đó đến năm 2003 gia đình bên cạnh tự ý chiếm dụng xây ngõ đi trên phần đất dịch vụ mà UBND xã bán cho gia đình nhà tôi.gia đình nhà tôi làm đơn khiếu nại lên UBND xã giải quyết nhưng đến bây giờ vẫn không song,với lý do là UBND xã bán không xin phép huyện mà xã chỉ hòa giải chứ không giải quyết được,đơn thư của gia đình tôi được chuyển xuống huyện,huyện trả lời xã tự ý bán thì tự giải quyết nên đến giờ vẫn chưa xong,còn phần đất dịch vụ của gia đình bên cạnh cùng mua với nhà tôi gia đình đó đã xây nhà kiên cố và gia đình đó nói là người đầu tiên ở khu đất thổ cư đó cho nên được quyền sử dụng đất lưu không của nhà nước gồm cả phần đất dịch vụ UBND xã bán cho nhà tôi năm 1992.do vậy gia đình nhà đó tự ý chiếm dụng và xây ngõ đi trên phần đất dịch vụ của gia đình nhà tôi.vậy cho tôi xin hỏi theo pháp luật phần đất dich vụ mà UBND xã đã bán cho nhà tôi năm 1992 có thuộc quyền sử dụng của gia đình nhà tôi không và cơ quan cấp nào có thể giải quyết được. Tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, gia đình bạn có quyền sử dụng phần đất đã nhận chuyển nhượng của Ủy ban nhân dân xã không?
 
Do đất được chuyển nhượng năm 1992 nên sẽ được điều chỉnh bởi Luật đất đai 1987 theo quy định tại điều 16 của Luật đất đai 1987:
 
"Việc chuyển quyền sử dụng đất đai chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

1. Khi hộ nông dân vào hoặc ra hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;

2. Khi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và cá nhân thoả thuận đổi đất cho nhau để tổ chức lại sản xuất;

3. Khi người được giao đất chuyển đi nơi khác hoặc đã chết mà thành viên trong hộ của người đó vẫn còn tiếp tục sử dụng đất đó.

Việc chuyển quyền sử dụng đất đai nói trong Điều này, nếu ở nông thôn thì do Uỷ ban nhân dân xã quyết định, nếu ở thành thị thì do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định".


Do đó, thời điểm này Uỷ ban nhân dân xã có quyền quyết định việc chuyển quyển sử dụng đất cho người dân tại nông thôn nếu thuộc các trường hợp trên. Nếu như việc chuyển quyền sử dụng đất cho bạn được thể hiện bằng văn bản thì văn bản đó được pháp luật công nhận, như vậy giấy tờ mua bán sẽ được pháp luật công nhận. Tuy nhiên nếu đất được bán không đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ không được công nhận, trường hợp nếu bạn sử dụng ổn định lâu dài không có tranh chấp đất từ thời điểm nhận chuyển nhượng ( năm 1992) đến nay thì sẽ được xem xét để công nhận, sau khi giải quyết được tranh chấp thì bạn có thể làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Thứ hai, cơ quan nào sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai?

 

Căn cứ Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

 

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.”

 

Và căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

 

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

 

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

 

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

 

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

 

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;…”

 

Như vậy, đối với trường hợp của bạn thì ban đầu phải được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nếu hòa giải không thành thì mới có thể tiếp tục yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo