Trần Tuấn Hùng

Thắc mắc về vấn đề hòa giải tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Luật sư tư vấn, giải đáp thắc mắc về vấn để thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã và nếu hòa giải không thành thì có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan nào giải quyết. Cụ thể như sau:

 

Tôi xin hỏi:Tôi có thửa đất, cấp giấy CNQSDĐ là ngang 5m, dài 42,84m và có chiều ngang hậu 5m. Mua hơn 2 năm, lúc mua thì hiện trạng như giấy CN. Bây giờ tôi chuẩn bị cất nhà, tôi đã làm đủ thủ tục để cất nhà từ tháng 9/2017, nhưng khi đo đạt thực tế đất thì ngang chỉ còn 4,3m, chiều ngang hậu còn khoảng 4,2m. (Do 2 bên cất nhà trước tôi). Hiện tại tôi cũng không rỏ bên thửa đất nào lấn chiếm, vì đất tôi mua xa chỗ tôi ở nên không bít đất bị lấn do 2 bên thửa đất xây cất nhà trước. Tôi có gởi đơn xuống phường nơi cấp CNQSDĐ, cán bộ địa chính kêu tôi làm đơn ra Thị xã xin đo đạc hiện trạng đất. Tôi làm đơn đo đạc và có kết quả. Tôi gởi đơn lại phường xin giải quyết hiện trạng thửa đất kèm giấy CNQSDĐ, giấy phép xây dựng, giấy kết quả đo đạc hiện trạng đất. Phường gởi cho tôi 1 giấy hẹn 45 ngày, ghi là giấy hẹn hòa giải, thỏa thuận hiện trạng thửa đất. Cho tôi hỏi, ở Phường Không có kết luận cụ thể bên nào lấn, thì làm sao hòa giải và nộp đơn khiếu nại về việc bị lấn chiếm đất. Bây giờ tôi phải làm gì? Và nộp hồ sơ đến cơ quan nào? Và cơ quan nào mới có thể giải quyết được?Tôi muốn cất nhà sớm để ổn định nơi ở, mong đoàn luật sư giải đáp thắc mắc.Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã

 

Căn cứ Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

 

“1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

 

a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

 

b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

 

c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan….”

 

Như vậy, tại thời điểm mời hai bên lên để hòa giải tranh chấp thì Ủy ban nhân dân xã chưa kết luận cụ thể về việc bên nào lấn đất bên nào mà khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thì phải tiến hành thẩm tra, xác minh tranh chấp và thu thập giấy tờ, thông tin có liên quan đến tranh chấp, thành lập Hội đồng hòa giải giải quyết tranh chấp chứ chưa thể đưa ra được kết luận chính xác .

 

Thứ hai, khi có quyền sử dụng đất bị xâm phạm thì phải làm nộp đơn lên cơ quan nào?

 

Căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

 

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

 

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

 

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

 

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

 

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;” 

 

Như vậy, nếu bạn đã gửi đơn ra Ủy ban nhân dân xã yêu cầu giải quyết tranh chấp và đã tiến hành giải nếu hòa giải thành thì sẽ thực hiện theo quyết định hòa giải thành nếu không hòa giải thành thì Ủy ban nhân dân xã ra quyết định hòa giải không thành và bạn có thể tiếp tục nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lên Ủy ban nhân dân cấp Huyện nơi có đất, nếu tiếp tục không đồng ý thì có thể gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp Huyện/Quận nơi có đất để được giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Nông Diệp. - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo