LS Vũ Thảo

Sửa chữa hồ sơ nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác xử lý thế nào?

Kính thưa luật Minh Gia. Năm 1989 gia đình tôi có cho gia đình ông H mượn 1.800m2 đất để trồng rừng và có bản cam kết sẽ lấy lại đất khi thu hoạch.

 

Nội dung tư vấn: Năm 1993 gia đình ông H bán lại đồi cây kia cho gia đình bà T, trong hợp đồng chuyển nhượng giữa ông H và bà T ghi rõ chỉ bán cây và khi nào thu hoạch cây thì gia đình bà T thực hiện theo bản cam kết. Sau đó gia đình bà T đã sửa chữa hồ sơ, và gia đình tôi đã khiếu nại đến Công an tỉnh. Kết luận giám định của phòng khoa học hình sự Công an tỉnh cũng kết luận nội dung như sau:

- nội dung trước khi sửa:...............gia đình bà T được hưởng số cây đó.

- nội dung sau khi sửa:.................gia đình bà T được hưởng số cây, đất. Gia đình tôi đã nhiều lần đòi và UBND phường đã hòa giải, phân tích để gia đình bà T trả lại đất cho gia đình tôi. Song gia đình bà T vẫn không trả. Như vậy đây có phải là hình thức chiếm đoạt tài sản của gia đình tôi không. Quy định pháp luật thế nào? Tôi xin trân trọng cảm ơn luật Minh Gia.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Giữa gia đình bạn và ông H có cam kết cho ông H mượn đất để trồng rừng và ông H phải trả lại đất khi thu hoạch xong gỗ. Ông H bán lại cây cho bà T và có ghi rõ trong hợp đồng phải trả lại đất cho gia đình bạn thì các bên phải thực hiện theo đúng những cam kết đó. Nghĩa là bà T có nghĩa vụ phải trả lại đất cho gia đình bạn sau khi thu hoạch cây. Tuy nhiên bà T lại tự ý sửa chữa hợp đồng chuyển nhượng với ông H và không trả lại đất cho gia đình bạn. Việc tự ý sửa chữa hợp đồng mà không được sự đồng ý của bên còn lại là trái phạm luật và hợp đồng bị sửa chữa đó vô hiệu, không được pháp luật công nhận.

 

Theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005: tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Quyền tài sản bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, đất đai không phải là tài sản thuộc sở hữu của riêng cá nhân, hộ gia đình nào mà đó là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Gia đình bạn chỉ có quyền sử dụng đất hợp pháp được thể hiện qua giấy tờ pháp lý đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc bà T chiếm giữ đất đai làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của gia đình bạn là hành vi trái pháp luật. Đây không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác theo cách hiểu của bạn mà hành vi của bà T sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

 

Bạn có quyền đòi lại mảnh đất đó, nếu bà T không chịu trả thì bạn có thể nhờ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp. Nếu như Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã tiến hành hòa giải nhưng bà T vẫn không chịu trả lại đất cho gia đình bạn thì gia đình bạn có thể yêu cầu Tòa án nơi có đất giải quyết vụ tranh chấp này.

 

Bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, kèm theo đó là những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình bạn (Giấy chứng nhận), giấy cam kết giữa gia đình bạn với ông H, hợp đồng chuyển nhượng giữa ông H và bà T. Tòa án sẽ xem xét, thụ lý và giải quyết vụ án cho bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sửa chữa hồ sơ nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác xử lý thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Chuyên viên Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo