Phạm Diệu

Rủi ro khi mua nhà ở qua hình thức Công chứng vi bằng

Kính gửi Luật Sư, Nhờ Luật sư tư vấn giúp đối với trường hợp của gia đình Tôi cụ thể: Gia đình chúng Tôi mua 1 ngôi nhà bằng hình thức "Công Chứng Vi Bằng" (Đã qua tay vài lần chủ) ...

 

 ...Thửa đất 96 m2 gồm 2 ngôi nhà: 1 ngôi nhà 48m2 của người đứng tên trên Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất & Nhà ở 1 ngôi nhà 48m2 của gia đình tôi mua lại từ người mua trước đó (Thửa đất ở Huyện Hóc Môn không đủ diện tích tách thửa nên không tách được) Trường hợp này Gia Đình Tôi chỉ có Bộ Hồ Sơ Công Chứng Vi Bằng thỏa thuận mua bán nhưng không được đứng tên đồng sở hữu trên Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng đất & nhà ở => Vậy có rủi ro gì về mặt pháp lý hay không khi xảy ra trường hợp tranh chấp?   Nhờ Luật sư tư vấn giúp Gia Đình Tôi  Chân thành cảm ơn Luật Sư. Trân Trọng./.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, chúng tôi xin trả lời vấn đề của bạn như sau:

 

Theo quy định tại khoản 8, điều 2 Nghị định số: 135/2013/NĐ-CP sửa đổi một số điều nghị định số 61/2009/NĐ-CP về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của văn phòng Thừa phát lại:

 

" 8. Sửa đổi bổ sung Điều 25 như sau

Điều 25. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng

1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

 

Vậy tức là bộ hồ sơ vi bằng đó là một hình thức biên bản do văn phòng thừa phát lại cấp, ghi nhận ngày tháng đó, tại nơi ấy, giữa các bên liên quan có sự việc ấy với những cam kết. Chứ nó không có ý nghĩa xác nhận quyền sỡ hữu hay quyền sử dụng của đương sự.

 

            Rủi ro về mặt pháp lý mà gia đình bạn có thể gặp phải:

 

Theo như bạn đã trình bày ở trên thì gia đình khi mua nhà nhưng chỉ có bộ hồ sơ công chứng vi bằng thỏa thuận mua bán, cùng với đó là gia đình bạn lại không đủ điều kiện có thể tách thửa và cũng không được đứng tên trên đồng sỡ hữu. Vi bằng không có ý nghĩa pháp lý chứng minh quyền sỡ hữu.

 

Nếu có tranh chấp xảy ra bạn sẽ không có giấy tờ chứng minh quyền sỡ hữu của bạn đối với mảnh đất và căn nhà mà bạn đã mua, khi xảy ra tranh chấp rất có khả năng bên kia sẽ đòi lại đất và nhà.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Rủi ro khi mua nhà ở qua hình thức Công chứng vi bằng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng./.

Cv. Kiều Thị Tuyết - Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo