LS Nguyễn Thùy Dương

quyền sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài

Chào luật sư cho tôi hỏi, mẹ tôi chết có để lại căn nhà không có di chúc. Nay anh em tôi đồng ý giao căn nhà này cho tôi. vậy tôi có quyền được sở hữu chủ căn nhà này hay không. Tôi là người ở nước Mỹ và có quốc tịch My.. Tôi cũng có về Vietnam nhiều lần. Xin ông vui lòng cho ý kiến. Thành thật cảm ơn

Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia chúng tôi.

Với trường hợp của bạn chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:
  • Thứ nhất, đối với căn nhà mẹ bạn để lại không có di chúc nên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
 Người thừa kế trong trường hợp này được xác định theo điểm a, khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Trong trường hợp này, bạn chưa nếu rõ thành phần trong gia đình nên bạn có thể căn cứ theo quy định trên để xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
  • Thứ hai, bạn có được sở hữu căn nhà này không?
 Căn cứ theo Điều 159 Luật nhà ở 2014 quy định Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong trường hợp này bạn có thể thuộc vào điểm c khoản 1 Điều 159 Luật nhà ở 2014. Khi  đáp ứng đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định tại Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;

2. Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

Như vậy, khi đáp ứng đủ các điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam trên thì bạn sẽ có thể sở hữu căn nhà Mẹ bạn để lại với điều kiện: Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đồng ý chuyển quyền sở hữu phần thừa kế của đối với ngôi nhà cho bạn: có thể thông qua tặng cho hoặc nhượng quyền qua mua bán.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: quyền sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Giáp Hiền – công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo