Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Phân chia thừa kế là tài sản chung của hai vợ chồng như thế nào?

Chào luật sư, Cho tôi hỏi về chia thừa kế là tài sản chung vợ chồng như sau: Câu chuyện của tôi như sau: ông bà ngoại tôi có 9 người con (3 người đã mất), bà ngoại tôi mất trước không để lại di chúc, ông ngoại tôi mất sau có để lại di chúc toàn bộ căn nhà cho người con thứ 7. Do không chứng minh được là căn nhà đó có trước hay sau khi ông bà ngoại tôi kết hôn,

Vậy tôi cần những giấy tờ gì để chứng minh điều này? Và nếu căn nhà đó thuộc sở hữu của cả ông bà ngoại thì có phải 1/2 giá trị căn nhà sẽ được chia đều cho ông ngoại tôi và 6 người con của ông bà ngoại? Mong luật sư tư vấn giúp. Cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của hai vợ chồng, cụ thể:

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Theo quy định trên, những tài sản do vợ chồng cùng nhau tạo lập trong thời kỳ hôn nhân hoặc được thừa kế chung, tặng cho chung được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng, trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Ngoài ra, tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về cách xác định tài sản riêng của vợ, chồng, theo đó:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Trong trường hợp không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh về nguồn gốc tài sản thì gia đình bạn có thể liên hệ với cơ quan địa chính để  tìm hiểu thêm thông tin về thời điểm hình thành căn nhà ( có trước hay sau khi đăng ký kết hôn) , làm căn cứ xác định tài sản chung hoặc tài sản riêng của ông bà ngoại.

Trường hợp căn nhà là tài sản chung của ông bà ngoại bạn mà bà ngoại bạn mất trước không để lại di chúc, ông ngoại bạn mất sau, có di chúc để toàn bộ căn nhà cho người con thứ 7. Tuy nhiên, theo quy định của bộ luật dân sự thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, do đó , di chúc trên bị vô hiệu một phần với lý do phần di sản là căn nhà ông định đoạt trong di chúc có một nửa thuộc sở hữu của bà ngoại bạn.

Do đó, nếu bà ngoại bạn mất không để lại di chúc thì ½ căn nhà sẽ dùng để chia thừa kế theo quy định của pháp luật, theo đó những người được hưởng di sản thừa kế bao gồm: ông ngoại bạn và 6 người con của bà. Đối với phần tài sản là ½ căn nhà và 1 phần di sản thừa kế ông ngoại bạn nhận của bà sẽ được định đoạt theo di chúc, theo đó người con thứ 7 được hưởng toàn bộ phần di sản của ông.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến, số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo