Đinh Ngọc Huyền

Phân chia di sản thừa kế khi đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Đất dịch vụ (hay còn gọi là Đất thương mại) là diện tích đất có vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện xây dựng các dự án. Để sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác nhau như phục vụ dự án, Nhà nước đã có những chính sách thu hồi đất nông nghiệp. Bởi vậy, pháp luật có những quy định riêng để bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong những trường hợp bị thu hồi đất.

Những hộ gia đình, những cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà bị thu hồi trên 30% diện tích đất mà không được nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương đương thì sẽ được hỗ trợ chuyển đồi nghề nghiệp và tạo việc làm mới. Một trong những cách hỗ trợ đó chính là giao đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, gọi là đất dịch vụ. Không chỉ là những phần đất dùng hỗ trợ cho người dân sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, đất dịch vụ còn có thể là đất đấu thầu ở các khu công cộng như chợ, bến xe, công viên...

Hiện nay, Đất không có sổ đỏ, liệu có được chia thừa kế hay không đến nay vẫn là thắc mắc của nhiều người dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, công ty Luật Minh Gia xin đưa ra nội dung tư vấn dựa trên tình huống sau:

Câu hỏi: Nhà em ở huyện X, theo chủ trương của nhà nước là đất nông nghiệp sau khi nhà nước lấy là sẽ trả 10% đất dịch vụ . Trước ông bà nội nhà em có 2 suất đất dịch vụ nhưng ở với chú ruột nhà em, hiện tại ông bà đã mất thì chú có chuyển sang tên chú và con trai chú. Lúc trước anh em họp muốn chia là 2 suất của ông bà thì 1 suất cho chú và 1 suất chia đều cho các anh em nhưng chú ruột em không nghe muốn lấy tất. Anh em đã gửi đơn lên phòng tài nguyên môi trường huyện X và UBND xã C ngừng chia nhưng xã vẫn chia. Nhờ luật sư tư vấn xem giúp em vụ này nếu khởi kiện ra tòa thì pháp luật quy định thế nào? Vì đất chia xong mới làm được sổ đỏ hiện tại chưa làm sổ đỏ chị ạ. Ông bà em không để lại di chúc. Ông bà mất chú tự ý sang tên đất đấy sang tên chú và con trai chú. Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì nguồn gốc diện tích đất là của ông bà nội bạn, đất này chưa được cấp sổ đỏ. Khi ông bà nội mất không để lại di chúc, chú ruột bạn tự ý sang tên chú và con trai chú.

=> Cách chia di sản thừa kế khi không có di chúc

Đối với trường hợp của bạn: Khi ông bà bạn mất, không để lại di chúc thì theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 thì di sản (Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác) của ông bà bạn để lại sẽ chia theo pháp luật, theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại....."

Di sản thừa kế của ông bà nội bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015). Theo đó, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (Điều 651 BLDS 2015).

Hiện nay diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy nếu những người thừa kế không thỏa thuận được để làm thủ tục phân chia di sản thừa kế thì không thực hiện được việc cấp sổ đỏ. Trong trường hợp này, một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo