LS Vũ Thảo

Nhập đất dư thừa vào sổ hồng và thủ tục đăng ký biến động đất đai?

Tư vấn trường hợp hộ gia đình muốn nhập lại phần đất thừa vào sổ hồng sau khi mở đường đi chung cho các hộ lân cận và thủ tục đăng ký biến động đất đai.

Nội dung tư vấn: Gia đình tôi xin nhờ luật sư tư vấn giúp về vấn đề mở đường đi chung như sau: Năm 2015 hàng xóm bán đất và chừa đường đi vào nhà là 1,2m chiều rộng ,Năm 2016 bố mẹ tôi chia lô đất lớn thành 4 lô nhỏ cho các con, chừa đường đi chung là 2m chiều rộng (hình 1) và đã được cấp 4 sổ hồng 4 lô này. Hai đường đi chung này song song và ngăn nhau bởi bức tường rào của lô lớn (đã tách 4 lô). Nay 6 hộ đồng thuận đập tường ra để đường đi chung rộng hơn. Cả 6 hộ đều đồng thuận để 4 hộ bên gia đình tôi chừa đường 1,2m như hai hộ kia và “lô hàng xóm” đồng ý hiến thêm một phần đất vào đường đi chung đến lô số 1  Vậy xin cho tôi hỏi: - Lô số 2, 3, 4 có được nhập lại phần đất thừa vào sổ hồng không (sau khi mở đường đi chung cho 6 hộ như đã trình bày ở trên ) ? - Lô hàng xóm có được cập nhật hiện trạng đất vào sổ hồng sau khi hiến thêm đường không? - Xin tư vấn giúp cho tôi biết thủ tục, trình tự và mất thời gian để tiến hành những việc nêu trên Xin cám ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 97 Luật đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

 

“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

 

Như vậy, đối với lô 2,3,4 đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho sổ hồng (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì chủ sở hữu của những lô này chỉ có quyền đối với phần diện tích đất được ghi trong sổ. Do đó, sau khi mở đường đi chung cho 6 hộ mà còn lại đất thừa, và phần đất này không nằm trong diện tích đất được ghi trong sổ hồng thì chủ sở hữu của lô 2,3,4 cũng không được quyền nhập lại phần đất này.

 

Căn cứ Khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2013 quy định đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

 

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

 

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

 

c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.”

 

Đối với lô đất hàng xóm muốn cập nhật hiện trạng đất vào sổ hồng sau khi hiến thêm đường thì họ phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai. Theo Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện như sau:


"1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động.

 

2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:

 

a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;

 

b) Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

 

c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;

 

d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;"

 

Hồ sơ đăng ký biến động đất đai bạn có thể tham khảo thêm.

 

Nơi nộp: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn (công chức địa chính cấp xã ).

 

Thời gian: Theo điểm i, khoản 2, điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai không quá 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo