Hoàng Tuấn Anh

Hành vi xây tường chặn lối đi chung bị xử lý như thế nào

Thưa LS: gia đình tôi có diện tích đất ở đang sử dụng, mặt phía trước tiếp giáp với đường phố, phần phía sau là vườn của gia đình tôi. Nămm 2017 gia đình tôi đã xin làm thủ tục xử lý đất dôi dư và đã được UBND huyện cấp GCNQSD đất đối với diện tích đất đó. Phần đất này có mặt tiếp giáp với đường của xóm dân cư gồm 18 hộ gđ (Đường rộng 4.5m do nhà nước quản lý). chúng tôi đã làm đơn xin phép UBND cho mở cổng hậu để thuận tiện cho việc sinh hoạt của gia đình.

 

UBND đã đồng ý và chúng tôi đã gặp đại diện các hộ gia đình trong xóm trình bày việc mở cổng và cùng đóng góp tiền làm đường như các hộ trong xóm. Ban đầu đại diện các hộ trong xóm đều đồng tình ủng hộ cho phép chúng tôi mở cổng. Tuy nhiên khi chúng tôi vừa hoàn thành việc mở cổng thì có một số hộ gia đình đối diện ngăn cản không đồng ý cho chúng tôi mở cổng hậu và không cho chúng tôi tham gia đóng góp tiền làm đường. đồng thời họ xây bức tường cao khoảng 1,5m chặn cổng của chúng tôi nhằm không cho đi lại, mặc dù chúng tôi mở cổng không vi phạm về hành lang và lấn chiếm đất đai hay tranh chấp với ai cả. Chúng tôi đã gửi đơn lên UBND thị trấn, UBND thị trấn đã tiến hành họp hòa giải phân tích và kết luận: việc xây tường trên đất công chặn cổng của chúng tôi là sai đề nghị các hộ tự nguyện tháo dỡ, đồng thời xóm về họp lại để thống nhất đồng ý hay không đồng ý cho các hộ mở cổng.sau đó các hộ trong xóm đó họp và kết quả một số người đồng ý và một số người không đồng ý cho chúng tôi mở cổng. Tôi thấy kết luận của UBND thị trấn và biên bản cuộc họp của các hộ trong xóm chưa đưa ra tính luật pháp quy định. Vậy tôi muốn hỏi LS :

- Trong trường hợp này tôi mở thêm cổng phụ để đi lại có được phép không?

- Những người bên xóm kia có quyền ngăn cản chúng tôi mở cổng phụ không, và có cần phải được sự đồng ý của các hộ dân thì chúng tôi mới được mở cổng?

- Các hộ dân xây tường trái phép trên đất công, tự tháo dỡ nhưng họ không tháo dỡ và kiên quyết ngăn cản chúng tôi đi lại thì chúng tôi phải làm gì?   

Xin LS tư vấn trả lời giúp tôi sớm. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Việc bạn mở thêm cổng phụ để đi lại ngoài việc phải đảm bảo rằng không vi phạm về hành lang và lấn chiếm đất đai hay tranh chấp với ai còn phải đáp ứng quy định về khoảng cách giữa các lô đất giáp gianh khi trổ cửa. Cụ thể Điều khoản 6.4.3.1 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012, quy định như sau: "Không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 m trở lên.

 

Theo như thông tin bạn trình bày, cổng hậu nhà của bạn ra mặt đường chính với chiều rộng là 4,5m nên bạn không vi phạm quy định về ranh giới lô đất khi mở cổng. Mặt khác, phần diện tích đất dôi dư mà nhà bạn đã được cấp GCNQSDĐ, do đó người sử dụng đất có quyền sử dụng đất theo đúng mục đích được công nhận. 

 

Đối với việc một số hộ dân có tranh chấp về việc không đồng ý cho gia đình bạn trổ cửa ra vào, chúng tôi đã tư vấn tại một bài viết khác. Bạn có thể tham khảo tại: Hàng xóm không cho đi qua lối đi chung có đúng quy định pháp luật không?

 

Đối với hành vi xây tường trên phần đất thuộc lối đi chung, đây được xác định là hành vi chiếm đất theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP . Cụ thể:

 

“1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

 

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”

 

Như vậy, các hộ gia đình đối diện có hành vi lấn chiếm, sử dụng đất làm đường để xây tường là hành vi trái quy định của pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về lấn chiếm sử dụng đất. Theo đó, các hộ gia đình đó sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi của mình theo quy định tại Điều 10 Nghị định này:

 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

 

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

 

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

 

Trường hợp này UBND có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu các hộ gia đình đó tháo dỡ. Trong trường hợp không tự nguyện thi hành thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: "Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Tuấn Anh - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo