Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Lấy lại đất rừng do doanh nghiệp sử dụng để trồng tre

Luật sư tư vấn về trường hợp được Nhà nước giao đất để sử dụng nhưng một thời gian không sử dụng đất, giờ muốn tiếp tục sử dụng thì làm thế nào? Cụ thể như sau:

 

Nội dung câu hỏi: Thưa luật sư, gia đình tôi được nhà nước giao cho 14ha đất rừng sản xuất trước năm 1993 và được cấp sổ xanh, do gia đình không có điều kiện nên chưa sử dụng vào trồng rừng, đến năm 2014 được cấp đổi sang sổ hồng. Do trong thôn còn rất nhiều đất rừng bỏ hoang và không được nhà nước giao cho người dân quản lý sử dụng sản xuất, đến năm 2002 chính quyền đã cho 1 doanh nghiệp trồng tre thầu lại số quỹ đất chưa được nhà nước giao cho hộ gia đình cá nhân địa phương quản lý để trồng tre lấy măng. Bên Công ty doanh nghiệp đã tiến hành trồng tre và có trồng qua 14 ha rừng của gia đình tôi không qua hợp đồng nào, và gia đình cũng không nhận được hồ sơ hay công văn, văn bản thu hồi đất từ phía nhà nước. Hiện tại doanh nghiệp không đủ khả năng để phát triển dự án trồng tre lấy măng và trở thành 1 dự án treo, và bị nhà nước thu hồi lại 1 phần đất rừng đã giao cho doanh nghiệp. Bây giờ gia đình tôi muốn lấy lại 14ha ta rừng để trồng cây phải làm thủ tục như thế nào? do bên doanh nghiệp đã trồng tre vào và hiện tại còn rất nhiều tre trên 14 ha đất của gia đình. Kính mong luật sư tư vấn giúp đỡ gia đình. Gia đình cảm ơn nhiều.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp diện tích đất của gia đình bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó việc doanh nghiệp có dự án trồng tre qua phần đất thuộc sở hữu của gia đình bạn là không phù hợp, bạn có quyền thỏa thuận với doanh nghiệp về vấn đề phá hủy số tre đã trồng trên phần đất của gia đình mình và sử dụng đất bình thường. Việc một phần đất được giao cho doanh nghiệp bị nhà nước thu hồi cũng không ảnh hưởng tới vấn đề bạn thỏa thuận với doanh nghiệp để lấy lại phần đất của mình do phần đất được chính quyền giao cho doanh nghiệp không bao gồm phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận cho gia đình bạn.

 

Nếu bạn không thỏa thuận giải quyết được với phía doanh nghiệp về vấn đề lấy lại diện tích đất thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành giải quyết theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013. Điều 202 quy định như sau:

 

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

 

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

Khi tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà các bên vẫn không thỏa thuận được về vấn đề này thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án cấp Tỉnh tiến hành giải quyết theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 “Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo