Phạm Việt Hằng

Khiếu nại về quyền sử dụng đất

Mẹ em có ở trên phần đất của ngoại cho cậu và cậu cho lại cách đây 34 năm, hai gia đình chia hai và xây nhà trên mảnh đất này và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 
Đến nay nhà em xây dựng lại nhà mới có chừa bên hong nhà khoảng 5 tất đất để thoáng gió và mở cửa sổ thì nhà cậu em cũng xây lại nhà, nhưng cậu em lại xây sát nhà em lấn qua nhà em 5 tất theo chiều ngang của giấy CNQSD đất, trước đó cậu em có nói nếu em chừa đất thì cậu xây sát. Em xin Luật sự tư vấn dùm em: Nếu mẹ em có đồng ý cho xây sát nhưng không đồng ý tách diện tích trong giấy QSD đất thì khi em khiếu nại cậu em có được xây tiếp không? Vậy cậu em có làm đúng không? Nếu xét về tình vì áp lực gia đình em đồng ý thì sau này người thừa kế có quyền tranh chấp 5 tất đất đó và lấy lại được không?
 
Trả lời:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, việc bạn khiếu nại việc lấn chiếm đất
 
Căn cứ vào nội dung mà bạn trình bày thì diện tích đất mà gia đình cậu bạn lấn sang thuộc phần đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bạn. Do vậy, việc gia đình cậu bạn lấn đất sang là hành vi trái pháp luật ( Khoản 2 Điều 12 Luật đất đai 2013 ) và về nguyên tắc, các công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm đó sẽ được dỡ ra và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho gia đình bạn.
 
Theo đó khi bạn khiếu nại thì “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.”( Khoản 2 Điều 208 Luật đất đai 2013)
 
Về thủ tục giải quyết tranh chấp:
 
Pháp luật quy định các tranh chấp về đất đai trước tiên sẽ được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải tại cơ sở. Cụ thể, theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013, trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được thì gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới Ủy ban nhân dân xã để được hòa giải.
 
Như vậy, để đòi lại mảnh đất trên bạn phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Chủ tịch UBND xã sẽ tổ chức hòa giải tranh chấp giữa các bên, việc hòa giải thành hay hòa giải không thành đều phải được lập thành văn bản và có chữ ký của các bên.
 
Trường hợp chủ tịch UBND xã hòa giải không thành, bạn phải gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện để được giải quyết.
 
Thứ hai, sau này người thừa kế được thừa kế mảnh đất của gia đình bạn thì họ vẫn có thể khởi kiện để đòi lại 5 tất đất đó
 
Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
 
“Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;”
 
Theo đó, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện do đó khi bạn chuyển quyền sử dụng đất cho người thừa kế thì họ sẽ có quyền khởi kiện đòi lại 5 tất đất bất cứ lúc nào.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Khiếu nại về quyền sử dụng đất . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Hà Liễu - Công ty Luật Minh Gia
 
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo