Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng bị phạt thế nào?

Xử lý bản vẽ thiết kế công trình xây dựng có phần vượt quá chỉ giới xây dựng như thế nào? Trường hợp UBND cấp xã cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư thì có đúng thẩm quyền không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Xây dựng

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Giấy phép xây dựng gồm: giấy phép xây dựng mới; giấy phép sửa chữa, cải tạo; giấy phép di dời công trình.

Giấy phép xây dựng gồm những nội dung chủ yếu như: tên công trình thuộc dự án; tên và địa chỉ của chủ đầu tư; địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến,…

Với mỗi loại giấy phép xây dựng khác nhau, pháp luật quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến giấy phép xây dựng mà chưa có hướng giải quyết phù hợp, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn xử phạt hành vi xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng

Câu hỏi:

Tôi có lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Trong hồ sơ thiết kế có phần ban công giáp với chỉ giới xây dựng là 0,9m; UBND xã không cấp giấy phép xây dựng phần ban công này vì cho rằng lộ giới 7m không có ban công. Tuy nhiên, UBND xã ký đóng dấu trong bản vẽ xin phép xây dựng có thiết kế ban công này. Tôi triển khai xây dựng đã làm theo hồ sơ thiết kế có phần ban công. UBND xã lập biên bản xử lý buộc tháo dở. Xin cho hỏi việc UBND xã xử lý tháo dở phần ban công có đúng không.

Trả lời tư vấn.

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Về điều kiện xây dựng:

Khoản 1 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo quy định trên thì nhà ở riêng lẻ tại nông thôn mà không thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa sẽ được phép xây dựng mà không cần xin giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên việc xây dựng vẫn phải thông báo với cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương và xây dựng đúng theo tiêu chuẩn cho phép.

Về xử lý hành vi vi phạm:

Nếu bạn xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị mà không được cấp giấy phép xây dựng, sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 15 – Nghị định 139/2017/NĐ-CP như sau:

Điều 15. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng

5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

...

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.

12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Như vậy, nếu vi phạm quy định trên, gia đình bạn sẽ bị xử phạt 20 -30 triệu đồng, đồng thời nếu công trình đã xây dựng xong thì bị buộc tháo dỡ phần vi phạm. Nếu công trình chưa xây dựng xong thì bị tạm dừng thi công để xin cấp giấy phép xây dựng, nếu không được cấp thì áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Trường hợp nhà bạn xây dựng là nhà ở riêng lẻ tại nông thôn – thuộc đối tượng không phải xin cấp giấy phép xây dựng nhưng phải đảm bảo việc xây dựng ban công phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng theo Quyết định 04/2008/QĐ-BXD, trong đó bảng 2.9 của quyết định này quy định về độ vươn ra tối đa của ban công, mái đua, ô-văng như sau:

Bảng 2.9: Độ vươn ra tối đa của ban công, mái đua, ô-văng

Chiều rộng lộ giới (m)

Độ vươn ra tối đa Amax (m)

                        Dưới 7m

                                        0

                        7÷12

                                        0,9

                        >12÷15

                                        1,2

                        >15

                                        1,4

Theo đó, phía ủy ban trả lời bạn việc lộ giới dưới 7m thì không được phép xây ban công là đúng. Nếu ban vẫn xây ban công nhô ra 0.9m thì đươc coi vi phạm quy định trên và buộc phải tháo dỡ công trình, đồng thời gia đình bạn còn phải nộp phạt theo quy định tại Khoản 7, Điều 15 – Nghị định 139/2017/NĐ-CP:

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây;

b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng

Trên đây là nội dung tư vấn về: Hỏi về xử phạt hành vi xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo