Nguyễn Ngọc Ánh

Hỏi về tranh chấp luật đất đai theo quy định pháp luật.

Nhờ luatminhgia giải đáp giúp em một số thắc mắc sau. Gia đình em có mua một mảnh đất và sử dụng từ năm 1992 đến nay. Trên mảnh đất này thừa ra một khoảng nhỏ 40m2 và che chắn mặt tiền của nhà bên cạnh.

 

Nội dung yêu cầu: Đất này theo sơ khai là đã qua 2 chủ mới đến nhà em mua và sử dụng đến bây giờ, và theo thời gian lúc đó chủ cũ đã xác nhận khoảng đất đó thuộc đất bán cho nhà em. Tháng 04 năm 2015 nhà bên cạnh kiện gia đình em với lí do là người chũ cũ (đã bán qua một chũ nữa mới tới nhà em mua) mượn đất nên giờ họ đòi lại. Xã hòa giải nhưng gia đình em ko chấp nhận hòa giải. Sau đó gia đình họ đưa đơn ra huyện. Huyện nhận đơn và mời gia đình em đến nay là lần thứ  3 mà thời gian đã kéo dài gần 18 tháng. Qua nhiều lần xét xử bên họ đưa ra hết lần này đến lần khác các lí do: gia đình em mượn để làm hoa màu(sai sự thật), sau đó là đất do một ông hàng xóm chó(vô căn cứ chỉ nói miệng)... Mà theo người làm cán bộ ban tự quản thôn cũ vẫn còn sống thì khoảng đất này là thuộc xưởng cưa cũ giải thể được chũ cũ chiếm trước năm 1988 và bên người hàng xóm cũng có chiếm đất thuộc xưởng cưa mỗi người một ít. Vậy, cho em hỏi một số vấn đề sau: 1.Trong đơn khởi kiện họ có ghi là ông chũ cũ mượn canh tác, sau đó lại kết luận là gia đình em lấn chiếm! Em có được khởi kiện tội vu khống không ạ? 2. Thời gian thuh lí của Tòa Án Nhân Dân huyện kéo dài hơn 1 năm như vậy có đúng theo thủ tục pháp lí? 3. Gia đình em có người làm chứng canh tác từ 1992 đến nay ko tranh chấp, và có người bán đất còn sống. Vậy quyền lợi nghĩa vụ có được đảm bảo ko? Mong quý luật sư giải đáp. Ngày 28.11.2016 này gia đình em có tham gia phiên xử về việc trên. Mong được giải đáp sớm. Cảm ơn quý luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

1.Trong đơn khởi kiện họ có ghi là ông chũ cũ mượn canh tác, sau đó lại kết luận là gia đình em lấn chiếm! Em có được khởi kiện tội vu khống không ạ?

 

Vu khống được hiểu là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

 

Đối với vụ việc trên, mặc dù lời khai của nguyên đơn không nhất quán; có thể trái với sự thật khách quan nhưng chưa đủ cơ sở truy cứu TNHS về tội vu khống. Hơn nữa, hành vi của nguyên đơn không nhằm mục đích hạ thấp, không xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác mà chỉ nhằm mục đích thắng kiện.

 

Vậy, mặc dù có quyền khởi kiện hoặc tố giác tại cơ quan có thẩm quyền nhưng yêu cầu của bạn sẽ không được chấp thuận.

 

2. Thời gian thuh lí của Tòa Án Nhân Dân huyện kéo dài hơn 1 năm như vậy có đúng theo thủ tục pháp lí?

 

Điều 203 BLTTDS 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử:

 

“1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

 

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

 

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

 

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

 

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

 

2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;

 

b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

 

c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

 

d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

 

đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;

 

e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

 

g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;

 

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

 

3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

 

a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

 

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

 

c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

 

d) Đưa vụ án ra xét xử.

 

4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng”.

 

Theo quy định của BLTTDS 2015, thời hạn để TAND chuẩn bị xét xử đối với vụ án trên tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày thụ lý. Trường hợp TAND có thẩm quyền ra quyết định thụ lý có nghĩa vụ phải gửi thông báo tới đương sự trong vụ án. Và tối đa không quá 02 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì TAND phải mở phiên tòa.

 

Vậy, anh kiểm tra chính xác thời điểm TAND thụ lý vụ án trên để xác định chính xác TAND có hay không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn đưa vụ án ra xét xử.

 

3. Gia đình em có người làm chứng canh tác từ 1992 đến nay không tranh chấp, và có người bán đất còn sống. Vậy quyền lợi nghĩa vụ có được đảm bảo không?

 

Điều 101 Luật đất đai 2013 quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất:

 

"1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

 

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

 

Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự:

 

"1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

 

2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định".

 

Đối với vụ việc trên, mặc dù thửa đất được gia đình bạn sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp từ năm 1992 tới nay nhưng để giải quyết triệt để vụ án thì HĐXX vẫn buộc phải xác minh nguồn gốc thửa đất.

 

Nguyên đơn có yêu cầu kiện đòi thửa đất 40m2 trên thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh. Trường hợp không đưa ra được chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện; chủ cũ cung cấp được các căn cứ chứng minh có quyền sở hữu (có quyền chuyển nhượng thửa đất cho gia đình bạn vào thời điểm năm 1992) thì HĐXX sẽ bác đơn yêu cầu của nguyên đơn nhằm bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với thửa đất trên của gia đình bạn.

 

Ngược lại, nếu có căn cứ chứng minh chủ cũ mượn đất để canh tác; cá nhân này không có quyền chuyển nhượng thì gia đình bạn buộc phải thực hiện đúng, đầy đủ nội dung phán quyết của TA. Và chủ cũ của thừa đất sẽ có trách nhiệm đối với gia đình của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về tranh chấp luật đất đai theo quy định pháp luật.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv. Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo