Hoàng Tuấn Anh

Hỏi về đòi lại đất đai khi bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật

Mẹ tôi có mua một mảnh đất của bác ruột tôi cách đây gần 20 năm. Sau đó, vợ của bác tôi kêu là bà ý không ký vào giấy bán và kiện ra Tòa. Tòa đã so sánh chữ ký của bà ý với chữ ký trên giấy chuyển nhượng và Tòa đã xét xử cho nhà tôi thắng kiện. Nhưng đến bây giờ bà ý lại mang đơn lên xã kiện và đòi lại đất mà gia đình chúng tôi sống được 20 năm. Tôi xin hỏi: Bà ấy có kiện lại được nhà tôi không?.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo khoản 2 Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

 

"Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị"

 

Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. 

 

Như vậy, sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu bản án không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, mà một trong các bên không đồng ý với cách giải quyết của Tòa án sơ thẩm thì có thể kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm.

 

Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án mà bác của bạn không có đơn kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. Vì vậy nếu bác của bạn lại mang đơn lên xã kiện và đòi lại đất thì sẽ không thể đòi lại được đất bởi UBND xã không có thẩm quyền để giải quyết vụ án nêu trên. Do vậy, UBND xã sẽ không thụ lý để giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp hết thời hạn 30 ngày theo quy định trên mà bác bạn có đơn kháng nghị thì sẽ giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm tại Tòa.



Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 326 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

 

“1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

 

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

 

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

 

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba…”

 

Và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục táithẩmđược quy định tại Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

 

“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

 

1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

 

2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

 

3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

 

4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.”

 

Như vậy, khi bác bạn có một trong các căn cứ nêu trên thì bác bạn có thể làm đơn đề nghị đến Chánh án Toà án nhân cấp cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để họ tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

 

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thám là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của BLTTHS 2015.



Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 334 BLTTHS 2015.

 

Theo đó, mặc dù mảnh đất này gia đình bạn đã được Toà án sơ thẩm xét xử thắng kiện và đã sử dụng mảnh đất 20 năm nhưng nếu bác bạn có đủ căn cứ để kháng nghị và vẫn còn thời hạn kháng nghị theo quy định trên thì bác bạn vẫn có thể nộp đơn kháng nghị.

 

Trường hợp mà bác bạn có đầy đủ căn cứ để chứng minh chữ ký của mình bị giả mạo, và tiến hành kháng nghị theo thủ tục như trên thì hợp đồng chuyển nhượng đất lúc này sẽ bị Toà án tuyên vô hiệu do người ký không có thẩm quyền ký.Theo đó, hai bên sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tức gia đình bạn phải trả lại đất cho bác bạn, còn bác bạn sẽ phải trả lại số tiền đã nhận cho gia đình bạn. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về đòi lại đất đai khi bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Thị Hằng - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo