Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về đòi lại đất cho mượn như thế nào?

Luật sư tư vấn miễn phí về trường hợp cho người khác mượn đất để ở lâu dài nhưng hiện tại yêu cầu trả lại không được, hỏi trường hợp này có cơ sở để đòi lại không? Nội dung cụ thể như sau:


Nội dung đề nghị tư vấn: Năm 1970 cha tôi cho bà B mượn 1 phần đất cất nhà ở (muợn không làm giấy tờ), quá trình kê khai đứng tên sổ bộ, đóng thuế, giấy chứng nhận đều mang tên cha tôi.

Đến năm 1995 con bà B dựng 1 quán nước nhỏ trên phần đất của cha tôi (sát nhà bà B), cha tôi khởi kiện ra tòa kết quả tòa xử buộc con bà B dở quán trả lại đất cho cha tôi, trong quyết định của Tòa cũng có nêu nguồn gốc phần đất bà B đang ở là mượn của cha tôi, tuy nhiên do nội dung đơn khởi kiện không yêu cầu đòi lại phần đất đã cho mượn nên tòa không đề cập đến, do đó gia đình bà B vẫn tiếp tục sinh sống trên phần đất mượn này.

Năm 2010 cha tôi chết tất cả phần đất của cha tôi được chuyển cho mẹ tôi đứng tên giấy đỏ (trong đó có cả phần đất cho mượn).

Năm 2014 bà B chết,con gái bà B tiếp tục ở trên phần đất này (nhà trên đất là nhà lá, cột kê).

Cho tôi hỏi:

Với trường hợp nêu trên tôi có đòi lại được phần đất này không, nếu được (hoặc không) thì căn cứ nào để xử lý?

Trường hợp khởi kiện tại tòa thì mức án phí được tính như thế nào? (đất trên là đất cây lâu năm, diện tích 250m2).

Trường hợp nếu thắng kiện thì tôi có phải trả chi phí di dời nhà cho con bà B không, nếu có thì chi phí này được tính như thế nào?

Ngoài ra gia đình con bà B thuộc diện nghèo và không có đất khác để ở, nếu bị xử di dời nhà thì nhà nước có chính sách nào hỗ trợ nơi ở khác cho con bà B không?

Xin chân thành cảm ơn!


 

Hỏi về đòi lại đất cho mượn như thế nào? 
Đòi lại đất cho mượn?
 
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Vấn đề đòi lại phần đất cho mượn:

 

Việc cha bạn cho bà B mượn đất không làm phát sinh việc chuyển quyền sử dụng mảnh đất đó sang cho bà B, phần đất đó vẫn do cha bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Bà B và con gái đã ở trên mảnh đất đó ổn định từ năm 1970 đến nay, theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật đất đai 2013, bà B có khả năng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đất đó phải là đất sử dụng ổn định, không vi phạm pháp luật đất đai và không có tranh chấp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đất mà bà B sử dụng là đất thuộc quyền sử dụng của cha bạn, rõ ràng bà B không có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó. Do vậy, khi người có quyền sử dụng đòi lại mà bà B không trả là vi phạm pháp luật đất đai.

 

Hiện tại, cha bạn và bà B đã mất, phần đất mà con bà B đang ở xác định là di sản mà cha bạn để lại. Theo quy định của pháp luật về thừa kế, mảnh đất đó sẽ thuộc quyền sở hữu của những người đồng thừa kế. Theo như bạn trình bày, toàn bộ phần đất mà cha bạn để lại được chuyển cho mẹ của bạn. Như vậy, hiện tại mẹ của bạn sẽ là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả mảnh đất mà con bà B đang ở.

 

Theo quy định tại Điều 97 Luật đất đai năm 2013:

 

"1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước".

 

Mẹ bạn là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó, bao gồm cả mảnh đất mà con gái bà B đang ở. Do vậy, bạn và mẹ đương nhiên có quyền đòi lại mảnh đất đó.

 

Trường hợp bạn khởi kiện ra tòa:

 

Bạn có quyền đại diện cho mẹ bạn nộp đơn khởi kiện ra Tòa để kiện đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào các quy định ở trên, Tòa án sẽ ra quyết định yêu cầu con gái bà B phải trả lại mảnh đất đó cho mẹ bạn.

 

Bạn có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản đó. Trong trường hợp này, Tòa án nơi có bất động sản là tòa án nơi bạn, mẹ bạn đang thường trú.

 

Về án phí, theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nguyên đơn có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

 

Trong trường hợp của bạn, Tòa án chỉ giải quyết ai là người có quyền sở hữu đối với mảnh đất đó mà không xác định trị giá tài sản mà mỗi người được hưởng nên mức án phí mà đương sự phải chịu không căn cứ vào giá trị của miếng đất đó theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 27Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:

 

“a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;”.

 

Ngoài ra, khoản 1 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14cũng có quy định:

 

“1. Đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.”.

 

Cụ thể, mức án phí đối với vụ án dân sự không có giá ngạch được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14là 300.000 đồng.

 

Về vấn đề di dời nhà ở đối với con của bà B:

 

Theo quy định của pháp luật dân sự, đối với quan hệ cho mượn tài sản,nghĩa vụ người cho mượn tài sảnđược quy định tại Điều 498 Bộ luật dân sự 2015 đó là:

 

“1. Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có.

 

2. Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận.

 

3. Bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.”.

 

Tại Điều 599 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên cho mượn tài sản có các quyền sau đây:

 

“Điều 499. Quyền của bên cho mượn tài sản

 

1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.

 

2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.

 

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.”.

 

Như vậy, khi người cho mượn tài sản yêu cầu đòi lại tài sản cho mượn chỉ cần thông báo với người đã mượn một thời gian hợp lý để trả lại tài sản mà không có nghĩa vụ phải thanh toán các chi phí phát sinh do việc trả lại tài sản mang lại. Do đó, bạn không cần phải thanh toán các chi phí di dời nhà cho con gái bà B.

 

Đối với trường hợp gia đình con của bà B thuộc diện hộ nghèo thì có thể được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo của Chính phủ như:

 

Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Thủ tướng Chính phủ, nhà nước sẽ hỗ trợ hộ nghèo trong việc vay vốn để xây dựng nhà ở theo thứ tự ưu tiên hỗ trợ, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho vay 6 triệu đồng/1 hộ, ngoài ra nguồn vốn hỗ trợ thêm sẽ do chính sách của từng địa phương quy định.

 

Bên cạnh đó, các chính sách về mua nhà ở xã hội, tặng nhà tình thương cho các đối tượng được hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào chính sách của từng địa phương và theo thứ tự ưu tiên sau:

 

Hộ gia đình có công với cách mạng;

 

Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số;

 

Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;

 

Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…);

 

Hộ gia đình sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn;

 

Các hộ gia đình còn lại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về đòi lại đất cho mượn như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: Nguyễn Mỵ - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo