LS Vy Huyền

Hỏi về cha mẹ cho con mang quốc tịch nước ngoài tài sản là đất đai

Công chứng làm hợp đồng cho tài sản của ba mẹ cho con thôi, mà không cần làm thủ tục sang tên (tên ba mẹ vẫn đứng quyền làm sở hữu) thì sau này có vấn đề gì không? Nếu sau nay muốn về Việt Nam xây nhà trên mảnh đất ba mẹ cho thì có gặp khó khăn không? Hoặc khi muốn bán lại cho người khác thì có vấn đề không? Mong được luật sư tư vấn quy định pháp luật cụ thể ạ. Xin cảm ơn !


Xin chào luật sư! Hiện nay ba mẹ tôi muốn cho tôi tài sản là 2 lô đất. Nhưng tôi đang mang quốc tịch nước ngoài không thể đứng tên sở hữu đất ở VN được. Vậy nếu chỉ ra phòng công chứng làm hợp đồng cho tài sản của ba mẹ cho con thôi, mà không cần làm thủ tục sang tên (tên ba mẹ vẫn đứng quyền làm sở hữu) thì sau này có vấn đề gì không? Với lại nếu sau nay tôi muốn về Việt Nam xây nhà trên mảnh đất ba mẹ cho thì có gặp khó khăn không? Hoặc khi muốn bán lại cho người khác thì có vấn đề không? Mong được luật sư tư vấn quy định pháp luật cụ thể ạ. Xin cảm ơn !
 
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất :

Tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này;
 
Điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật Đất dai 2013 quy định :
 
Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
 

Khoản 1 Điều 186 của Luật Đất đai 2013 quy định :
 
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Mặt khác, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 159 Luật nhà ở 2014:

"Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ."

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp,bố mẹ bạn muốn để lại cho bạn hai lô đất, nếu hai lô đất này chưa có nhà ở trên đó và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 159 Luật nhà ở 2014 thì bạn sẽ không có quyền nhận tặng cho. Tuy nhiên, bạn sẽ có quyền hưởng phần giá trị của di sản thừa kế mà bố mẹ bạn để lại.

Nếu như bạn không muốn chuyển nhượng hoặc tặng cho hai mảnh đất mà cha mẹ để lại, bạn có thể làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo Điều 23 Luật Quốc tịch 2008.
 
 Điều 23. Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam
 
1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;
 
b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

...


2. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
 
3. Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
 
4. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
 
5. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:
 
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
 
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
 
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam.


Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc xin liên hệ 1900.6169 để được tư vấn thêm.

Trân trọng!
Cv Thu Huyền - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo