LS Hồng Nhung

Hiệu lực của hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất viết tay

Dạ, xin chào luật sư ạ. Tôi muốn nhờ phía luật sư tư vấn giúp tôi một vài điều. Mong quý luật sư giúp đỡ. Ba mẹ tôi trước kia có mua một miếng đất để xây nhà ở và vẫn sinh sống tới hiện nay.( mua khoảng năm 2000) Miếng đất đó là do người em trai bán cho ba tôi. Khi làm giấy tờ mua bán thì hai bên thỏa thuận bán cho ba tôi dài 21x3,4m. Nhưng lúc ấy do là anh e trong nhà nên chủ làm giấy tay để chứng nhận. ( Có chữ kí hai bên và đưa tiền đầy đủ).

 

Ba tôi có tranh luận nhưng lại bị lật lọng và bị mẹ và e trai đánh ngay tại chỗ ( do ba tôi là con riêng) . Thế là cho đến nay, lại xảy ra xích mích. Chú tôi đập cửa sổ nhà tôi vơi lý do chiếm không gian bên chú. Nhưng đó là 0,4m  trước kia. Đã kiện ra xã một lần nhưng xã nói rằng ít quá tự anh e về nhà nhau giải quyết. Tôi muốn hỏi nếu trong trường hợp này, ba tôi còn giấy tay hai bên kí nhận thì có hiệu lực k ạ. Và nếu bên kia đã làm sổ hòng và có phần đất ba tôi trong đó thì nếu tôi thưa kiện thì bên ai sẽ có lời hơn? Tôi muốn thưa vì chú phá hoại tài sán nhà tôi và chiếm đất 0,4 m thì có thể k ạ Kính mong quý luật sư trả lời cho tôi nhanh nhất nếu có thể, để tôi giải quyết vụ việc nhanh chóng. Kính chào quý luật sư và chân thành cảm ơn ạ 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, yêu cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, giấy viết tay được hai bên ký kết có hiệu lực không?

 

Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP “1. Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật:

a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;

b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này;

c) Sử dụng đất do nhận thừa kế quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.”

 

Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn mua đất của chú bạn vào năm 2000 (trước ngày 1/1/2008) và có giấy viết tay tại thời điểm đó thì giấy viết tay giữa hai bên được công nhận, và có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  gồm:

+ Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Hợp đồng mua bán đất đai;

+ Chứng minh thư nhân dân của người sử dụng đất;

+ Sổ hộ khẩu gia đình.

 

Thẩm quyền: Phòng tài nguyên môi trường cấp huyện nơi đang có đất.

 

Thứ hai, nếu chú bạn đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm cả phần đất ba bạn thì ba bạn có thể khởi kiện không?

 

Theo Khoản 1 Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”

 

Trong trường hợp của gia đình bạn thì có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp quận huyện để yêu cầu người chú trả lại mảnh đất với diện tích 3,4m2 cho gia đình bạn.

 

Thứ ba, việc em trai ba bạn phá hoại tài sản gia đình bạn có bị xử lý không?

 

Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp, chú bạn đập cửa sổ nhà bạn vì lý do chiếm không gian nhà chú bạn thì có thể xét trên giá trị sử dụng của tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại.

 

Nếu thiệt hại gây ra từ 2 triệu đồng trở lên, trong trường hợp dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương tự, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó, chú bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 “1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm…”

 

Nếu giá trị sử dụng tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại dưới 2 triệu đồng và không thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 143 Luật hình sự 1999 sửa đổi 2009 thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt chú bạn về hành vi đập cửa sổ nhà bạn theo Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội “Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;…”

 

Cụ thể mức phạt tiền là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đập cửa sổ nhà bạn; hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo điểm a khoản 2 điều 1 Nghị định 167/2013/NĐ-CP“Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Hải Hằng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo