Luật sư Phùng Gái

Giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp giấy chứng nhận QSDĐ bị mất?

Câu hỏi tư vấn: Gia đình tôi năm 2008 có mua một miếng đất ở Bình Phước với giá gần 1 tỷ. Nhưng tại thời điểm đó miếng đất chưa được phép sang tên sổ đỏ nên chủ của miếng đất có làm một bản nhường quyền với nội dung vì lý do chưa được phép sang tên sổ đỏ nên viết đơn này chứng minh đã bán miếng đất cho gia đình của tôi với sự ký tên của đôi bên và có công chứng tại địa phương.

 

Tuy nhiên, sổ hồng của gia đình lại bị trôm mất bởi một người quen, tên C quốc tịch người Trung Quốc là bạn trai của con gái nuôi mẹ tôi. Ông C đã nộp đơn tranh chấp, với nội dung chủ miếng đất mới là ông ấy vì ông ấy là người giữ sổ đỏ của miếng đất. Nên hiện tại gia đình tôi không được xin cấp lại sổ đỏ cũng không sang nhượng buôn bán được.

 

Vậy xin hỏi Luật Minh Gia, trong trường hợp này, pháp luật sẽ xử trí ra sao? Và gia đình tôi có những quyền lợi luật pháp như thế nào ạ? Xin cám ơn Luật Minh Gia!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ về quá trình mua bán đất, thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền trên đất bị mất đang đứng tên ai là chủ sở hữu hợp pháp nên không đưa ra hướng tư vấn chính xác cho bạn được. Để nhận được hướng tư vấn cụ thể yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin, hồ sơ liên quan. Tuy nhiên, với dữ liệu cung cấp và trên cơ sở quy định sẽ có các trường hợp xảy ra. 

 

 + Trường hợp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền trên đất là của người bán mà trước đó gia đình mua nhưng chưa thực hiện sang tên, người bán vẫn đứng tên trên giấy chứng nhận thì thời điểm hiện nay khi đối tượng C trộm giấy chứng nhận và nộp đơn tranh chấp yêu cầu đòi đất  (lý do ông C đang giữ sổ) là không có căn cứ, cơ sở.

 

Do đó, với trường hợp này khi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đã gửi ra Uỷ ban xã để hòa giải hoặc Tòa án thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào chứng cứ chứng minh, ông C chỉ có giữ giấy chứng nhận nhưng tên chủ sở hữu là một người khác; còn gia đình có đầy đủ căn cứ là hợp đồng mua bán mảnh đất năm 2008 có công chứng địa phương, xác nhận của người bán về giao dịch và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu liên quan khác (biên lai nộp tiền) thì cơ quan có thẩm quyền vẫn công nhận giấy chứng nhận trên thuộc về gia đình và buộc đối tượng C hoàn trả sổ để gia đình hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất. Sau khi sang tên quyền sử dụng đất gia đình có thể thực hiện các quyền của chủ sở hữu như chuyển nhương, tặng cho.

 

+ Trường hợp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất hiện nay đang đứng tên gia đình bạn là chủ sở hữu, trên hồ sơ địa chính cũng thể hiện rõ thông tin chủ sở hữu là gia đình. Nên mặc dù đối tượng C có giữ giấy chứng nhận (lấy trộm hoặc vì lý do nào đó có được) nhưng không có giấy tờ kèm theo (hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có công chứng) thì khi nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp cũng sẽ không có căn cứ chứng minh để cơ quan có thẩm quyền công nhận diện tích đất đó thuộc quyền sở hữu của C được. Mà người được pháp luật công nhận vẫn là gia đình bạn - chủ sở hữu hợp pháp. Cụ thể, yêu cầu tranh chấp này sẽ giải quyết theo hướng hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, nếu tại buổi hòa giải mà không giải quyết được, mà vẫn tranh chấp thì khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Luật đất đai năm 2013:

 

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

 

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

 

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp giấy chứng nhận QSDĐ bị mất?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo