LS Vũ Thảo

Giải quyết tranh chấp đất đai khi hàng xóm gây khó dễ?

Chào Anh (Chị)Em cần được tư vấn là : Năm 1986 nhà Em được cấp lô đất với diện tích 3041m2 (không có sổ đỏ).. Trước kia Ba có sử dụng trồng sắn, nhưng mấy năm trở lại đây Ba em để đất hoang vậy nên cây cối mọc um tùm, năm 2015 Ba em xuống múc đất để trồng cây nhưng nhà bên cạnh không cho làm và nói một nữa đất đó là của họ.

 

Ba em có kêu địa chính xã về giải quyết nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết.. Năm vừa qua thì ba mất nên giờ Em xuống làm nhưng nhà bên cạnh không cho làm.Anh (Chị) cho em hỏi cách giải quyết tranh chấp trong trường hợp trên với ạ. Rất mong nhận được sự giúp đở của Anh ( Chị). Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, năm 1986 gia đình bạn có được cấp một mảnh đất với diện tích 3041m2 nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, nếu bạn muốn sử dụng mảnh đất này bạn phải chứng minh được gia đình bạn có quyền sử dụng đất. Vì không có sổ đỏ, và thực tế những năm gần đây bố bạn để hoang đất, không khai thác nên bạn cần xem xét gia đình bạn có các giấy tờ về quyền sử dụng đất hay không (ví dụ quyết định giao đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp…). Ngoài ra, bạn có thể làm thủ tục cấp trích lục bản đồ địa chính tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp thông tin mảnh đất dưới hình thức tra cứu thông tin.

 

Khi có căn cứ chứng minh gia đình bạn có quyền sử dụng đất đối với 3041m2 đất mà nhà bên gây khó dễ, không cho bạn sử dụng thì trường hợp này, trước hết bạn có thể tự thương lượng, hòa giải với họ. Nếu không thể thương lượng, tự hòa giải hoặc thương lượng, tự hòa giải không thành thì bạn có quyền gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã để hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:

 

“…3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp…”

 

Nếu hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành thì căn cứ Điều 203 Luật đất đai 2013:

 

- Trường hợp có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 bạn có quyền yêu cầu TAND cấp huyện nơi có bất động sản giải quyết.

 

- Trường hợp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 bạn được lựa chọn một trong hai hình thức nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện hoặc khởi kiện tại TAND cấp huyện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vũ Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo