LS Hoài My

Giải quyết như nào khi nhà họ hàng kiện đòi lại đất đã giao theo thỏa thuận?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Sau khi rút đơn khởi kiện, đương sự thỏa thuận giao đất cho nhau nhưng sau này bên bị đơn lại đòi lại đất và đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án. Phải giải quyết như nào để đòi lại đất?

Nội dung tư vấn: Xin chào quý luật sư. Năm 2011 tôi có khởi kiện ra tòa 1 người họ hàng về vấn đề tranh chấp đất đai, cụ thể là người này xây dựng nhà ở trên phần đất do ông cố tôi để lại cho bà ngoại tôi, nên tôi khởi kiện để yêu cầu họ trả lại, sau khi tòa nhận hồ sơ và giải quyết, thì bên kia buộc phải trả lại nguyên trạng phần đất họ đang ở cho gia đình tôi, nhưng trước khi tòa ra bản án, thi hành án tháo dỡ nhà ở của người kia, thì tòa cũng mời 2 bên ngồi lại thương lượng thỏa thuận với nhau. Vì gia đình bên kia con cháu cũng sinh sống ổn định ở đó, bên tôi cũng không muốn đẩy họ vào chỗ khó khăn, mất nơi ở, nên bên tôi với họ mới thỏa thuận bằng giấy tay, có lăn tay điểm chỉ, là bên tôi sẽ rút đơn lại, không thi hành án nơi ở của họ, đổi lại họ sẽ giao cho chúng tôi một mảnh đất khác gần đó (đất nông nghiệp), tương đương mảnh họ đang ở, và sẽ hỗ trợ tôi làm thủ tục giấy tờ cần thiết. Từ thời điểm đó, tôi đã cắm cọc dựng rào b40 bao quanh phần đất đó, bắt đầu từ năm 2015 tôi cho thuê phần đất đó, người thuê có dựng tạm lên 1 nhà bằng tôn, khung sắt, để làm nơi để dụng cụ cơ khí. Đến năm 2018 tôi lâm cảnh nợ nần, bị siết nhà mất nơi ở, nên cả gia đình phải sang ở nhờ bên nhà tôn đó, cũng năm đó, người họ hàng đó khởi kiện đòi lại phần đất mà trước đây họ thỏa thuận giao cho tôi (nhà tôn gia đình tôi đang ở tạm), đến nay tòa chưa giải quyết, thì mới đây, họ lại tiếp tục tố cáo tôi xây nhà ở không phép trên phần đất đó (nhà tôn), họ thật sự muốn dồn gia đình tôi vào đường cùng. Hiện tại gia đình tôi đang rất khó khăn, không biết phải làm sao, nên viết thư này kính mong quý luật sư giúp đỡ tư vấn hướng đi giúp. Xin trân trọng cảm ơn quý luật sư rất nhiều. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn đã khởi kiện ra Tòa án từ năm 2011 yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai và trước khi Tòa án ra bản án, thi hành án tháo dỡ nhà ở thì bên nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận được với nhau và đã rút đơn lại, không thi hành án. Tuy nhiên, vì thông tin bạn cung cấp chưa thể hiện rõ rằng, việc hai bên thỏa thuận được với nhau thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận hay bạn rút lai toàn bộ yêu cầu khởi kiện Tòa án ra quyết định Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nên chúng tôi xin đưa ra hướng tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, nếu như bạn rút toàn bộ đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì trường hợp này bạn có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì căn cứ theo Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP có quy định: “Người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và các trường hợp khác mà pháp luật có quy định”.

 

Theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 quy định: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.

 

Như vậy, trong trường hợp thời điểm 2011 phía bên bạn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án thì nay bạn có thể làm đơn khởi kiện lại vụ án để buộc bên kia phải trả lại phần đất xây dựng lấn chiếm của gia đình bạn.

 

Thứ hai, trường hợp nếu hai bên nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận được với nhau và có Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử thì bạn không có quyền khởi kiện lại vụ án.

 

Bởi vì, theo điểm a khoản 3 Điều 7 NQ 04/2017/NQ-HĐTP có quy định: “Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó”.

 

Điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau: “c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại”.

 

Theo đó, nêu như có Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về giải quyết vụ án, công nhận sự thỏa thuận về đổi đất nông nghiệp thì bên kia không còn căn cứ để khởi kiện đòi lại đất đã giao. Việc gia đình bên kia có hành vi cản trở việc sử dụng thì bạn có thể làm đơn gửi Uỷ ban nhân dân để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo