Hoàng Tuấn Anh

Địa chính xã đến đo đất mà không gửi giấy mời gây ảnh hưởng quyền lợi

Luật sư tư vấn cho khách hàng về việc địa chính xã đến đo đất ở chung giữa khách hàng và một nhà khác dẫn đến việc đo đạc đất thừa của chung hai nhà thành đất của nhà bên kia gây ảnh hưởng lợi ích của khách hàng.

 

E chào luật sư. Xin luật sư tư vấn giúp gia đình e vấn đề như sau ạ. E xin cảm ơn.- Nhà e và nhà a trai ruột của bố e đang cùng sống chung trên 1 mảnh đất có diện tích 346m2 và đều đã xây nhà riêng trên mảnh đất chung. Vài hôm trước bên địa chính xã và huyện có đến đo đạc, nhưng không thông báo trước cho nhà e, mà đến lúc đo mới gọi điện cho nhà e, thì nhà e đều đi làm nhà nước nên k về được, thì họ vẫn đo bt và bên nhà anh trai của bố e đã nhận phần đất thừa của nhà e là của nhà mình. Và khi phòng địa chính xã gửi giấy mời về gia đình e lên kí giấy thì không có phần đất thừa của gia đình nên gia đình đã không kí và hẹn làm việc vào buổi khác. Vậy luật sư cho e hỏi rằng:

1- Ủy ban xã k hề có giấy mời hay thông báo cho gia đình em khi về đo đạc là đúng hay sai.

2- Nếu sảy ra tranh chấp thì phần đất trên sẽ được chia như thế nào ạ. Gia đình e có tổng 6 người con trong đó 1 người con đã mất. 

3- Phần đất thừa giữa 2 nhà sẽ được tính và chia như thế nào ạ. 

Em xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời. 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, về việc cán bộ địa chính đến đo đất mà không gửi thông báo cho gia đình bạn thì hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc khi đến đo đất thì cán bộ địa chính phải gửi thông báo hay giấy mời đến trước cho chủ đất. Tuy nhiên, trong quy định tại thông tư 25/2014/TT-BTNMT, Điều 11 về Xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất thì:

 

1.1. Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời, yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).

 

Theo quy định này, có nghĩa là khi xác định ranh giới, đo đạc diện tích thửa đất thì phải có người sử dụng đất có mặt để phồi hợp. Do đó, khi đo đạc đất không có sự có mặt của gia đình bạn thì việc đo đạc này không được tiến hành.

 

Thứ hai, về phân chia đất nếu có tranh chấp. Do thông tin bạn cung cấp không rõ ràng nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn nhưng có thể đưa ra một số gợi ý sau: 

 

Nếu bố mẹ bạn mất mà không để lại di chúc. Trường hợp đây là đất thừa kế của bố bạn và anh trai của bố thì theo quy định của luật dân sự về thừa kế theo pháp luật, mỗi người sẽ được hưởng 1/2 mảnh đất. Khi đó, 5 người con trong gia đình bạn (do một người đã mất) mỗi người sẽ được hưởng 1/5 suất thừa kế mà bố bạn được hưởng tức là 1/10 mảnh đất hiện tại.

 

Trường hợp mảnh đất này đã được phân chia rõ ràng giữa bố và anh trai bố bạn thì các con vẫn sẽ được hưởng 1/5 mảnh đất mà bố mẹ bạn có.

 

Nếu bố mẹ bạn mất mà để lại di chúc thì đất sẽ được chia theo di chúc. Trừ trường hợp một trong các con có người dưới 18 tuổi hoặc không có khả năng lao động vẫn được hưởng 2/3 một suất thừa kế.

 

Thứ ba, theo Khoản 5 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định thì:



"5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.


Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này."

 

Do vậy, phần đất thừa ra sẽ được cấp giấy chứng nhận mới, thay đổi diện tích đất vào trong giấy chứng nhận cũ. Do vây, bạn cần chứng minh phần đất thừa này thuộc sở hữu của mình thì mới có thể được nhập vào đất trong sổ. Còn nếu bạn không chứng minh được, theo nguyên tắc phần đất này sẽ được chia đôi cho bạn và gia đình anh trai của bố bạn mỗi bên một nửa. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Trần Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo