Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đem sổ đỏ của người khác đi cầm cố thì giải quyết thế nào?

T3/2016 vợ chồng e có mua 1 mảnh đất trị giá 350tr. Nhưng chủ mảnh đất (A) đó nói có sổ đó nhưng thực tế lại mang tên vợ chồng người em (B) của chủ mảnh đất. Vợ chồng em đặt cọc 300tr cho người A và có làm bản hợp đồng đặt cọc có người chứng kiến và kí tên.

 

Còn số tiền 50tr sẽ giao khi bàn giao sổ đỏ. Đến nay vợ chồng em nhận được giấy ủy quyền của ủy ban xã có dấu đỏ nhưng chưa có sổ đỏ. Trên sơ đồ mảnh đất ghi rõ 3 m lưu không trước mặt +18m+. 3m lưu không đằng sau + 2m mương. Nhưng bên chủ đất chỉ giao 3m đằng trước còn 3m+2m mương đằng sau ko giao.Vợ chồng em đã  xây nhà ở, trong quá trình xây nhà bên chủ đất (A) luôn tìm cách gây khó dễ. Vì  bên A đòi bán đất lưu không với giá 1.350.000 đ/m( bờ mương). Điều em lo sợ là đến lúc xã làm xong sổ đỏ, bên chủ mảnh đất (A) không giao cho vợ chồng e sổ đỏ mà mang đi cầm cố ngân hàng hoặc cầm đồ. Vậy cho e hỏi  nếu gia đình em kiện thì như thế nào?

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này bạn phải xem xét việc ông A bán đất thuộc sở hữu của người em (B) có được sự ủy quyền của B hay không. Nếu A không được B ủy quyền mà vẫn bán mảnh đất này thì coi như giao dịch này vô hiệu do người bán đất không phải chủ sở hữu của mảnh đất.

 

Nếu A được B ủy quyền để bán mảnh đất này thì giao dịch mua bán giữa bạn và A được xác lập. Tuy nhiên, theo quy định của khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai 2013:  “a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”.

 

Như vậy, trong trường hợp bạn mua đất của A thì việc mua bán này phải lập thành văn bản, có công chứng chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Việc bạn đặt cọc 300 triệu đồng có người làm chứng và ký tên không có nghĩa là việc mua bán này đã có hiệu lực pháp luật. Bạn phải làm một hợp đồng chuyển nhượng trong đó ghi rõ nội dung mua bán đất giữa bạn và ông A, sau đó đến cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Như vậy thì hợp đồng chuyển nhượng này giữa bạn và ông A mới có hiệu lực pháp luật, nếu có tranh chấp xảy ra thì bạn mới có căn cứ để bảo vệ quyền của mình đối với mảnh đất.

 

Trong trường hợp bạn đã xây nhà trên mảnh đất, đang được Ủy ban nhân dân xã làm sổ đỏ, sổ đỏ đó mang tên hai vợ chồng bạn vì vậy ông A không có quyền mang sổ đỏ đó đi cầm cố, thế chấp tại ngân hàng hay tiệm cầm đồ. Trong trường hợp ông A mang sổ đỏ của gia đình bạn đi cầm cố, thế chấp thì bạn có quyền yêu cầu người đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho gia đình mình. Hoặc bạn cũng có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch giữa ông A và người giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn là giao dịch vô hiệu. Theo quy định tại Điều 137 Luật dân sự 2015 khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo