LS Vy Huyền

Đất khai hoang mà bị nhà nước thu hồi thì được bồi thường như thế nào?

Luật sư tư vấn đối với trường hợp đất khai hoang, sử dụng từ năm 1990 mà bị thu hồi thì có được bồi thường về đất không? Nội dung tư vấn như sau:

 


Câu hỏi:  Năm 1990 tại địa phương tôi có một nhánh sông cụt,  giáp bờ đê ngăn mặm của nhà nước và xung qoanh là đất trống bỏ hoang vu (sông không còn tác dụng tưới tiêu không còn tác dụng giao thông vận tải ) nên tôi đã đắp lại ngăn mặm, cải tạo, san lấp ,tạo thành ao nuôi trồng hải sản và xung qoanh làm lúa mầu, được chính quyền địa phương cấp quyết định giao đất nuôi trồng hải sản lâu dài năm 1996.  Năm  2010  khi nhà nước có chủ trương đo đạc lại đất , gia đình tôi có làm đơn xác nhận tự khai hoang năm 1990  để được làm  giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được thôn, ban địa chính xã , chủ tịch xã phê duyệt và đóng dấu.  Trong suốt quá trình sử dụng đất gia đình tôi  không có tranh chấp với tập thể hay cá nhân nào ,  giao nộp thuế hàng năm đầy đủ.   Nay khu vực làm kinh tế của gia đình tôi nằm trong dự án, ban giải phóng mặt bằng huyện, tỉnh và UBND xã Tùng Lâm  không công nhận đất của gia đình tôi .  Mà quy vào đất công .Giá trị bồi thường thu về ngân sách nhà nước.. ( vì họ cho đó là khúc sông, không phải do tôi đào ra ). Trong thực tế vì nó là khúc sông cụt,  nên rất sâu gia đình tôi phải  đào đất xung qoanh bờ chở ra chỗ sâu lấp cạn lại . cũng xin được nêu rõ với luật sư . lúc chưa cải tạo khoảng 4000 m vuông .năm 1996  UBND xã kiểm kê để bàn giao đất nuôi trồng hải sản lâu dài cho tôi là 6000 m vuông hiện nay tôi đã cải tạo 16000 m vuông ,bây giờ tôi phải làm sao xin luật sư giúp tôi .

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, đối với diện tích 600m2 đất được chính quyền địa phương giao cho sử dụng

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì gia đình bạn sử dụng đất từ năm 1990 và được Ủy ban nhân dân cấp quyết định gia đất nuôi trồng thủy sản lâu dài năm 1996 là 600 m2. Theo đó, căn cứ theo quy định tại điều 19 Luật đất đai 1993 thì căn cứ để giao đất bao gồm:

 

1- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

 

2- Yêu cầu sử dụng đất ghi trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật và trong thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc đơn xin giao đất.

 

Theo đó, theo quy định tại điều 20 Luật đất đai 1993 thì nhà nước giao đất sử dụng ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng. Cụ thể:

 

Điều 20. Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.

 

Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng.

 

Nhà nước giao đất sử dụng lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở và chỉ thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật này.

 

Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài đối với các loại đất khác do Chính phủ quy định.

 

Đối với trường hợp của gia đình bạn thì phần đất được chính quyền địa phương giao để sử dụng nhưng việc giao đất này không được coi là căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, trong một số trường hợp cần thiết thì nhà nước có thể thu hồi phần đất này và phải bồi thường thiệt hại (theo điều 27 Luật đất đai 1993.

 

Cụ thể, theo quy định của Luật đất đai 2013 thì trường hợp đất được giao không thuộc trường hợp được bồi thường về đất (điều 82) nhưng sẽ được hỗ trợ đối về công khai phá, cải tạo đất và phần tài sản trên đất (theo điều 83).

 

Điều 82. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất

 

Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây:

 

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này;

 

2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;

 

3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này;

 

4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này.

 

Điều 83 Luật đất đai 2013 quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:

 

1. Nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:

 

a) Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ;

 

b) Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.

 

2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

 

a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;

 

b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;

 

c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;

 

d) Hỗ trợ khác.

 

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

 

Như vậy, theo quy định trên thì đối với phần đất 600m2 được chính quyền địa phương giao cho sử dụng lâu dài của gia đình bạn có căn cứ để được hỗ trợ về phần tài sản trên đất và chi phí khai cải tạo đất trong thời gian sử dụng khi nhà nước thu hồi đất. 

 

Thứ hai, đối với diện tích 1000m2 đất gia đình khai hoang thêm từ diện tích đất được giao là 600m2.

 

Căn cứ theo quy định tại điều 101 Luật đất đai 2013 thì trong trường hợp đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và không có tranh chấp thì có căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, tại Khoản 4 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013 có quy định:



“4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê.”

 

Đối với trường hợp đất có cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai thì khi nhà nước thu hồi đất phải thực hiện đền bù về đất và tài sản được xác lập hợp pháp trên đất cho người sử dụng đất. Cụ thể, áp dụng quy định tại khoản 2 điều 77 Luật đất đai 2013 quy định về việc bồi thường về đất và chi phí đầu tư vào đất đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân:  Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này.

 

Nếu sau khi có quyết định thu hồi đất mà cơ quan có thẩm quyền không tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bạn thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi lên người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền thu hồi để được yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng.


CV tư vấn: Thúy Vân- Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo