Phạm Diệu

Đất cấp cho hộ gia đình khi thu hồi được bồi thường như thế nào?

Quy định pháp luật đất đai về bồi thường khi thu hồi đất khá chặt chẽ, tuy nhiên thực tế hiện nay công tác thu hồi, bồi thường, tái định cư còn khá nhiều bất cập, dẫn đến vấn đề khiếu kiện về bồi thường ngày càng tăng. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật thì cần có sự phối hợp giữa chính quyền huyện, xã với chủ đầu tư để việc thực hiện bồi thường được nhất quán.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề bồi thường khi thu hồi đất

Hiện nay, tranh chấp liên quan đến vấn đề bồi thường khi thu hồi đất ngày càng tăng, đặc biệt là các tranh chấp trong cùng một hộ gia đình sử dụng đất. Điều này, gây rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi và bồi thường, dẫn đến tình trạng dự án kéo dài, người dân không được bồi thường kịp thời, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sau khi thu hồi đất.

Do đó, nếu bạn hoặc gia đình bạn gặp phải vấn đề này bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ.

Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Xử lý trường hợp bồi thường khi thu hồi đất

Tôi ở khu tái định cư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ gia đình đứng tên bố chồng tôi. Bố, mẹ chồng tôi đều đã mất cả. Gia đình chồng tôi có ba anh em: chồng tôi, 1 em trai, 1 em gái. Nay hai em chồng tôi đòi vợ chồng tôi phải bán nhà để chia cho chúng hoặc phải trả cho mỗi đứa 1/3 giá trị nhà. Giấy chứng nhận là hộ gia đình và tại thời điểm nhà nước thu hồi đất cũ và giải phóng mặt bằng trong sổ hộ khẩu có 5 nhân khẩu (bố chồng tôi, chồng tôi, tôi và hai con gái). Tôi tìm hiểu và được biết: quyền sở hữu tài sản đất tái định cư này là của những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm giải phóng mặt bằng. Nhưng hai em chồng tôi không chấp thuận cứ đòi chia ba. Em trai chồng tôi còn doạ dẫm đâm chết từng người trong gia đình tôi. Tôi rất lo sợ! Xin luật sư cho tôi hỏi: 1. Vợ chồng và các con tôi được quyền sở hữu như thế nào? 2. Tôi phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình? 3. Nếu em trai chồng tôi tiếp tục đe doạ giết chúng tôi thì tôi phải làm gì để đảm bảo an toàn cho cả gia đình? Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo quy định trên thì hộ gia đình sử dụng đất được xác định là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và đang chung sống và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Với trường hợp của gia đình bạn, thời điểm nhà nước giao đất tái định cư cho hộ gia đình bạn trên sổ hộ khẩu có 05 nhân khẩu. Nếu tại thời điểm nhà nước giao đất tái định cư, người em trai và em gái của chồng bạn không có tên trên quyết định giao đất thì sẽ không có quyền đối với phần đất đó.

Đối với đất cấp cho hộ gia đình bạn thì đất đó trở thành tài sản chung của cả hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật dân sự 2015 về tài sản chung của hộ gia đình:  

“Điều 102. Tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân

1. Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này.”.

Điều 212 Bộ luật dân sự quy định:

“Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”.

Hiện tại, bố chồng bạn đã mất. Do đó, phần tài sản của bố chồng bạn trong tài sản thuộc sở hữu chung của gia đình sẽ chia theo pháp luật về thừa kế. Trường hợp, bố chồng bạn mất không để lại di chúc thì phần di sản của bố chồng bạn sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm: chồng bạn, người em trai và em gái. Mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Việc phân chia phần di sản thừa kế của bố chồng bạn có thể thông qua sự thỏa thuận giữa các người con. Trường hợp, có tranh chấp về phần di sản thừa kế của bố chồng bạn thì một trong các đồng thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia.

Ngoài ra, nếu người em có hành vi đe dọa gia đình bạn thì bạn có thể trình báo đến cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo