Trần Diềm Quỳnh

Cưỡng chế công trình xây dựng không phép mà không tìm được chủ đầu tư

Tôi phát hiện một công trình xây dựng trái phép. Giờ tôi muốn lập kế hoạch cưỡng chế công trình này. Vậy tôi có thể lập kế hoạch cưỡng chế không?

 

Trước tiên em xin cám ơn quý công ty đã dành thời gian để đọc và giải đáp thắc mắc của em. Hiện em là công chức địa chính-xây dựng phường. Vào khoảng tháng 3/2017, em có phát hiện một công trình xây dựng không phép, trên đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư không có mặt, chỉ có thầu xây dựng và vài người thợ tại công trình. Em đã kết hợp cùng Công an phường và Trưởng khu vực tiến hành lập biên bản theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ đối với công trình trên, ghi nhận chủ đầu tư vắng mặt, có đại diện nhà thầu chứng kiến đoàn kiểm tra lập biên bản. Hồ sơ vi phạm thực hiện đúng theo quy trình Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ, đã ban hành quyết định đình chỉ và quyết định cưỡng chế đối với công trình trên. Do không tìm ra chủ đầu tư nên đã niêm yết các Quyết định trên tại trụ sở UBND phường, nhà thông tin khu vực và có dán tại công trình. Công trình đã ngừng thi công từ thời điểm lập biên bản nhưng hiện vẫn chưa tìm ra chủ đầu tư. Vậy cho em hỏi e có thể tiến hành lập kế hoạch cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên hay không? Em xin chân thành cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 65 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

 

"1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:

b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;

 

c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;

 

d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;

 

đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.

 

2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

 

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện"

 

Theo quy định trên thì trường hợp mà bạn trình bày thuộc một trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đó là việc không xác định được đối tượng vi phạm hành chính. Đối tượng vi phạm hành chính ở đây là chủ đầu tư. Và bạn không thể xác định được chủ đầu tư này là ai. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 65 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

 

Các biện pháp khắc phục hậu quả mà anh có thể áp dụng theo Khoản 1 Điều 28 đó là:

 

1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

 

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

 

b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định."

 

Hơn nữa, theo Khoản 4 Điều 85 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

 

"Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này hoặc cá nhân chết, mất tích hoặc tổ chức bị giải thể, phá sản mà không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 75 của Luật này thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

 

Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó."

 

Do đó, chi phí để bạn tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan của bạn. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Hoàng Thủy - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo