Lò Thị Loan

Công chức xã nhận tiền của người dân có thể bị xử lý thế nào

Cán bộ địa chính cấp xã có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Trường hợp nhận tiền của người dân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có thể bị xử lý như thế nào?


Câu hỏi: Ông A có thửa đất 300 m2 và ông A đã bán cho bà B 150 m2, năm 2014 bà B lên UBND xã xin đăng ký cấp giấy CNQSDĐ nhưng cán bộ không chịu làm, sau đó cán bộ địa chính yêu cầu bà B đưa số tiền hơn 7 triệu đồng mới chịu làm. Nhưng khi thực hiện thủ tục xong và làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ, sau 6 tháng cán bộ địa chính gọi bà B lên trả giấy CNQSDĐ thì toàn bộ thửa đất 300 m2 đó được cấp cho ông A. Hiện nay bà B đã làm đơn kiện cán bộ địa chính đó.
Vậy cho em hỏi là phải xử lý vụ việc như thế nào ạ, quy định cụ thể của pháp luật?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 105 Luật đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thẩm quyền này thuộc về các cơ quan sau:

"1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ."

Và theo hướng dẫn tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận cụ thể là:

"1. Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trong các trường hợp sau:
a) Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
2. Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện như sau:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam."

Đồng thời căn cứ Khoản 2 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký và trả kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã:

"Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai."

Như vậy, cán bộ địa chính cấp xã không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của bà B mà chỉ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà B để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Hành vi yêu cầu bà B nộp hơn 7 triệu đồng để được cấp giấy CNQSDĐ của cán bộ địa chính xã là vi phạm pháp luật. Cán bộ này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Cụ thể:

Thứ nhất, xử lý hình sự theo pháp luật hình sự.

Bà B có thể trình bày với cơ quan công an để cơ quan này điều tra và làm rõ hành vi của cán bộ địa chính đó. 

- Nếu như bà B đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ thì việc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là đương nhiên. Tuy nhiên cán bộ địa chính lại yêu cầu bà B phải nộp hơn 7 triệu đồng mới được cấp hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm d Khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009). 

- Nếu như bà B không đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ và cán bộ địa chính đã yêu cầu bà B nộp hơn 7 triệu đồng để được cấp GCNQSDĐ nhưng sau đó GCNQSDĐ lại được cấp mang tên ông A mà không phải mang tên bà B. Hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Bên cạnh đó, sau khi được cấp thì GCNQSDĐ lại mang tên ông A mà không phải mang tên bà B, cần xác định việc sai sót là ở cơ quan, cá nhân nào thì xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ hai, xử lý kỷ luật.

Việc xử lý này phụ thuộc vào việc cán bộ địa chính có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không và mức xử phạt như thế nào. Bạn có thể căn cứ vào Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã phường thị trấn để xem xét cụ thể nguyên tắc xử lý, thời hạn, thời hiệu xử lý, cách thức xử lý kỷ luật và hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi của người vi phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Công chức xã nhận tiền của người dân có thể bị xử lý thế nào. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo