Vũ Thanh Thủy

Có đòi lại được đất đã tặng cho?

Em chào đòan luật sư Gia đình em có sự tranh chấp đất đai với anh trai trưởng (nhà em có 4 anh, chị, em). Gia đình em có mảnh đất 900 m thì 300 m của bố em còn 600 m là bác ruột bố em tặng từ năm 198x và cho tặng chỉ nói bằng miệng không có giấy tờ gì và là đất chưa cấp sổ đỏ. Đến năm 199x xã có đợt làm quyền sử dụng đất thì bố em làm sổ tên bố em cả 900 m.

 

đất đó là 30m mặt đường chạy sâu vào trong giờ em và mẹ em ở 1 nhà phía trong và anh trai trưởng ở phía ngoài đừơng. Vừa rồi em muốn làm ngõ riêng từ ngoài đường vào nhưng bị anh trai ngăn chặn không cho làm và 1 cô con bác ruột bố em (con bác cho bố em đất ) vào hùa với anh trai em và cô đe là nếu làm thì cô sẽ đòi lại vì không phải đất của bố em. Bác ruột bố em chết lâu rồi và chỉ còn lại 2 cô sống. Luật sư cho em hỏi:

Thủ tục khởi kiện cần những giấy tờ gì? Mẹ em đã làm đơn gửi qua xã hòa giải nhưng xã không nhận đơn và trả lời là xã không đủ thẩm quyền giải quyết. Em lên Tòa án họ lại trả lời là phải có chứng nhận của xã hòa giải không thành thì Tòa mới nhận đơn. Cho em hỏi cô con bác bố em có đòi lại được 600m đất đó không ? Và hiện giờ đất đó đứng tên bố em bố em mất năm 1995 và không để lại di chúc và từ đến nay vẫn tên bố em và gia đình em cũng chưa mở thừa kế thì em có đựơc thừa kế chỗ đất đó không? Hay hàng thừa kế thứ nhất phải là cô em?.

Em viết mail này thay mặt mẹ em gia đình em cảm ơn luật sư và rất mong đựơc sự tư vấn của luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia. Chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề liên quan đến việc làm ngõ.

Theo quy định Bộ luật dân sự về quyền về lối đi qua bất động sản liền kề

"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
 
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
 
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
 
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

Khi đó anh trai của anh có nghĩa vụ dành lối đi ra cho gia đình anh và không được cản trở.

Nếu anh trưởng của anh vẫn ngoan cố ngăn cản thì anh có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân xã/phường. Và Ủy ban nhân dân xã/phường có trách nhiệm hòa giải theo quy định tại khoản 1 điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nên nếu Uỷ ban nhân dân xã trả lại đơn với lý do không đủ thẩm quyền giải quyết là sai khi đó anh có thể tiến hành khiếu nại hành vi hành chính của xã.

Thứ hai, về việc đòi lại 600m đất của cô em họ.

Với thông tin anh cung cấp thì bố anh được bác tặng cho đất từ năm 1989 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993 nên việc đòi lại 600m đất của cô em họ kia là không thể.

 Thứ ba, về việc thừa kế.

Bố anh đã mất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đứng tên bố anh. Bố anh không để lại di chúc nên chia thừa kế trong trường hợp này là chia thừa kế theo pháp luật.

Điều 676 BLDS quy định:

Người thừa kế theo pháp luật

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
 
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
 
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
 
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
 
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
 
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo đó thì anh đương nhiên được hưởng thừa kế và cùng hàng thừa kế thứ nhất với mẹ và ba anh, chị, em khác của anh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: CÓ "đòi" lại được đất đã tặng cho?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Lã Tuyền - Công ty Luật Minh Gia

 

 

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo