Cao Thị Hiền

chuyển nhượng QSD đất có cần sự đồng ý của gia đình?

Thưa luật sư, cha tôi đã mất cách đây vài năm.trước kia gia đình họ hàng bên nội nghèo khó quá, bà nội đứng tên nhà và đã bán nhà để chia bớt tiền giúp cho họ hàng trả nợ lớn, sau này cha tôi mua lại căn nhà nhỏ trong hốc đường, nhưng vì ông sợ gánh vác trách nhiệm các thứ nên đã để bà nội đứng tên một lần nữa.


Nội tôi giờ sắp mất, muốn chuyển tên sang cho mẹ, nhưng mẹ là dâu nên nghe đâu phải có họ hàng bên nội ký tên đồng ý mới được chuyển tên sang mẹ. Bây giờ, họ hàng bên nội tôi lại không muốn ký, vì họ thèm khát số tiền ít ỏi mà nhà nước đền bù để chia chát khi bà tôi qua đời vì nhà tôi ở không có chủ. Họ không màng gia đình tôi sẽ bị đuổi ra đường, không có nhà để ở.

Nhiều lần tôi gửi tiền để anh trai tôi đi tìm người tư vấn giúp đỡ, nhưng hắn ta lại bỏ túi riêng để tiêu và coi như chưa có gì xảy ra, nhiều lần dẫn bạn gái về còn bảo tôi và mẹ ra ở trọ để hắn ở chung với bạn gái, nên tôi không thể tin tưởng hắn được.

Vậy luật sư có thể tư vấn giúp gia đình tôi làm cách nào để sang tên cho mẹ tôi hoặc con trai là tôi không ạ. 
 
Cầu mong sự hồi đáp của quý Luật sư!

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, yêu cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:
 
Theo quy định tại các Điều 108 và Điều 109 của Bộ luật dân sự 2005 về tài sản chung của gia đình như sau:
 
“Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình
Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.
 
Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình
 
1.     Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
 
2.     Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”
 
Theo quy định này, thì việc định đoạt tài sản chung của gia đình bắt buộc cần phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên.
 
Quy định của Luật đất đai 2013, người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền đối với chủ sử dụng đất, đó là các quyền được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền sử dụng đất.

Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất

  1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 
Như vậy, theo quy định trên, có thể chia thành hai trường hợp như sau:
 
Thứ nhất,  trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình bạn thì tất cả những thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên trong hộ gia đình bạn đều phải ký vào văn bản chuyển nhượng. Nếu trong hộ có người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì việc chuyển nhượng mảnh đất do người giám hộ của họ thực hiện.
 
 
Trường hợp thứ 2,  Giấy chứng nhận cấp cho cá nhân thì người đó được toàn quyền thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
 
Nếu có đủ căn cứ chứng minh tài sản không phải là tài sản chung của hộ gia đình, mà là tài sản riêng của cá nhân, như: quyết định cấp cho cá nhân đó, hợp đồng tặng cho riêng cá nhân đó, văn bản thể hiện cá nhân được thừa kế riêng… thì chỉ cá nhân đó có quyền định đoạt tài sản và các thành viên khác trong hộ gia đình không tham gia việc định đoạt tài sản đó.
 
Hoặc đó là tài sản chung của hộ gia đình nhưng theo sổ hộ khẩu thì tại thời điểm có tài sản, thành viên không có trong sổ hộ khẩu hoặc đã chuyển đi thì thành viên đó không tham gia việc định đoạt tài sản chung hộ gia đình.
 
Trong trường hợp của bạn, cần xét xem bà nội bạn  đứng tên một mình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?  Nếu bà nội bạn một mình đứng tên trong gấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà nội bạn có quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho hoặc để lại di sản thừa kế là mảnh  đất đó cho mẹ bạn.

Còn trong trường hợp mảnh đất là tài sản chung của hộ gia đình thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho mẹ bạn cần sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: chuyển nhượng QSD đất có cần sự đồng ý của gia đình?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV Nông Lan – Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo