Triệu Lan Thảo

Chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm theo quy định của luật đất đai

Tôi có 1500m vuông đất trồng lúa tự khai thác và được cấp bìa sử dụng đất trước năm 2004. Nay tôi đổ đất để nâng cao mặt ruộng để chuyển đổi canh tác thành cây trồng hàng năm.vậy tôi làm đơn xin chuyển đổi canh tác thì chính quyền địa phương phải giải quyết chậm nhất trong thời gian bao lâu, quy định pháp luật thế nào và tôi có được đổ đất để chuyển đổi canh tác hay không?


Trả Lời:
 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, hành vi tự ý đổ đất để chuyển đổi canh tác khi chưa được phép chuyển đổi canh tác trên đất trồng lúa.

Theo Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất chồng lúa. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa:

“1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

2. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.

Bạn chưa được chính quyền địa phương  đồng ý cho việc thay đổi chuyển mục đích sử dụng đất mà đã có hành vi đổ đất, bồi đắp đất trồng lúa. Hành vi này đã không thực hiện đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; làm thay đổi mặt bằng đất trồng lúa, làm thoái hóa đất trồng lúa.

Như vậy, bạn chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm mà đã đổ đất bồi đắp đất trồng lúa là trái với quy định pháp luật.
 
Thứ hai, Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Theo Điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

“1. Điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

a) Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;

b) Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa);

c) Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.

2. Người sử dụng đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này khi tiếp nhận bản đăng ký và thống kê theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa.

3. Đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này vẫn được thống kê là đất trồng lúa, trừ diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản”.
 
Như vậy, Bạn phải làm hồ sơ đăng ký chuyển đổi thay đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Để được chuyển đổi canh tác trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thì phải được sự đồng ý của UBND xã. Pháp luật không có quy định gì về thời hạn giải quyết trong trường hợp này. Việc chuyển đổi này hoàn toàn thuộc về ý kiến chủ quan, kế hoạch của UBND cấp xã.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm theo quy định của luật đất đai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Ngô Văn Minh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo