Lò Thị Loan

Chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp

Thế nào là chuyển đổi quyền sử dụng đất? Thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp theo quy định pháp luật? Trường hợp việc chuyển đổi quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật thì giải quyết như thế nào?


Câu hỏi:
Bà ngoại tôi có thoả thuận miệng là đổi với hàng xóm một thửa ruộng (chưa có sổ) để hai bên sử dụng cho tiện từ năm 2008, khi đó bà tôi không biết là diện tích là bao nhiêu, đến năm nay mới biết là diện tích bị thiếu nhiều nên muốn đòi lại nhưng nhà hàng xóm không chịu trả. Trước đó giao kèo giữa hai nhà chúng tôi chỉ bằng miệng, không có giấy tờ hợp pháp. Vì vậy xin phép được có sự tư vấn của luật sư về các vấn đề sau:
- căn cứ nào để xác định bên nào đúng bên nào sai?
- các bước và trình tự để khởi kiện;
- đơn vị nào đủ chức năng, quyền hạn để giải quyết;
- các giấy tờ cần thiết để chuẩn bị trong phiên toà.
Xin cảm ơn luật sư.


                                  Chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp



Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Luật đất đai năm 2003, cụ thể Điều 126: trong trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì các bên phải tiến hành đăng ký, nộp hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để Ủy ban chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Trong đó, hồ sơ phải bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và phải đáp ứng điều kiện:

Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước.

Trường hợp của bạn, các bên vi phạm về hình thức của hợp đồng, điều kiện chuyển đổi (phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đồng thời không tiến hành việc đăng ký đất đai theo quy định pháp luật cho nên việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp không có hiệu lực. Như vậy, cả hai bên đều có lỗi trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên, khi xem xét giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu mỗi bên hoàn trả quyền sử dụng đất cho bên kia, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hợp pháp khác.

Có các phương thức giải quyết tranh chấp sau đây:

Thứ nhất, nếu không có sổ đỏ nhưng có một trong các giấy tờ tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 thì tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc yêu cầu hòa giải.

Theo đó:

- Bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên;

- Hoặc yêu cầu Tổ hòa giải tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên nếu địa phương bạn có thành lập Tổ hòa giải.

- Bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người hàng xóm để đòi lại quyền sử dụng đất mà người hàng xóm đang quản lý, sử dụng. Mẫu đơn khởi kiện và thủ tục khởi kiện bạn có thể tham khảo tại đây.

Bạn cần chú ý, kèm theo đơn khởi kiện bạn cần nộp các giấy tờ về đất đai để chứng minh quyền sử dụng của bà ngoài bạn đối với đất nông nghiệp đó và việc sử dụng diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển đổi của gia đình người hàng xóm.

Cụ thể là, giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 (bản gốc hoặc bản sao có công chứng, hoặc chứng thực).

Đối với việc xin trích lục bản đồ địa chính thì bạn có thể gửi phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai, đến Văn phòng đăng ký đất đai, nếu địa phương bạn chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì bạn có thể gửi phiếu yêu cầu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Thứ hai, nếu không có một trong các giấy tờ tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 thì tranh chấp có thể được giải quyết như sau:

- Giải quyết thông qua hòa giải (như trình bày ở phần trên);

- Căn cứ khoản 3 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 thì bạn có quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Theo đó, bạn nộp đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai đến Chủ tịch UBND có thẩm quyền trên.
  
Đối với các thủ tục thì bà ngoại bạn có thể ủy quyền cho một cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thay bà thực hiện theo quy định pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên riêng với đơn khởi kiện, đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì mục người làm đơn phải có chữ ký của bà ngoại bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo