Luật sư Lê Văn Chức

Cho người khác mượn đất có đòi lại được không?

Gia đình tôi có một mảnh đất khai hoang từ năm 1983 và canh tác đến năm 1995. Do điều kiện kinh tế khó khăn, năm 1995 gia đình tôi đi làm ăn xa và cho cháu gọi mẹ tôi bằng dì ruột mượn (nhưng không có giấy tờ cho mượn) canh tác đến nay. Năm 2014 có đợt đo đạc lại đất đai để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình tôi đã đăng ký hồ sơ để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mảnh đất trên thì chị gái gọi mẹ tôi bằng dì lại tranh chấp quyền sử dụng


Nội dung yêu cầu: Gia đình tôi đã làm đơn xin xác nhận của các hộ liền kề mảnh đất trên và những người lớn tuổi biết nguồn gốc mảnh đất và đã được họ xác nhận là đất của gia đình tôi. Gia đình cũng đã làm đơn đề nghị Trưởng xóm và chính quyền UBND xã xác nhận và đã được xác nhận. Hiện nay, đang có đợt làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình tôi làm hồ sơ để để đăng ký quyền sử dụng đất thì UBND xã bảo là mảnh đất trên đang tranh chấp và chưa làm được. Gia đình tôi đã làm đơn gửi lên xã và đề nghị UBND xã giải quyết nhưng UBND xã (Đ/c Chủ tịch) hẹn 45 ngày sau giải quyết. Gia đình tôi đang rất hoang mang, xin được Luật sư tư vấn: - Quy định pháp luật trường hợp gia đình em; - Mảnh đất trên gia đình tôi cho mượn lâu quá rồi liệu có mất không? Gia đình tôi xin chân trành cảm ơn Luật sư và công ty Luật Minh Gia rất nhiều.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia. Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:


Theo bộ luật dân sự 2005 thì hợp đồng mượn tài sản được quy định như sau:

"Hợp đồng mượn tài sản" là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

"
Điều 514 BLDS 2005 quy định vê nghĩa vụ của bên mượn tài sản

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;

2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên
mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;

4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.


Điều 517 BLDS 2005 quy định về quyền của bên cho mượn tài sản:
 
" Bên cho mượn tài sản có các quyền sau đây:

1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thoả thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý;

2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thoả thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra
."

Bạn có trình bày, năm 1995 gia đình bạn có cho một người họ hàng "mượn" đất để chiếm hữu và sử dụng. Chiểu theo các quy định nêu trên, "mượn đất" phải là căn cứ để phát sinh quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp này là quyền sử dụng đất), nên mượn với thời gian bao nhiêu thì người mượn cũng không thể trở thành chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất trên.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp gia đình bạn có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ. Tức, gia đình phải đưa ra được những tài liệu chứng minh: quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của gia đình; giữa gia đình và người họ hàng thỏa thuận hợp đồng mượn tài sản. 

Ngoài ra, gia đình cần lưu ý sẽ thanh toán những chi phí mà người mượn đất đầu tư vào đất để làm tăng thêm giá trị khi yêu cầu đã được đáp ứng (sau khi đòi được lại đất).
 

Khoản 2, Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

"Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự

Khoản 3 Điều này quy định: “Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
….”

Vậy, nếu như UBND cấp xã giải quyết không thành thì gia đình bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cho người khác mượn đất có đòi lại được không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Lê Nhung - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo