Phương Thúy

Cho mượn GCNQSDĐ để vay vốn ngân hàng

Việc nhờ người khác vay hộ tiền hoặc tài sản khác là những vấn đề diễn ra hằng ngày trong đời sống và chủ yếu là giữa những người có mối quan hệ gần gũi trong gia đình. Mặc dù hành động này là một trong những cách để giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống nhưng những rủi ro tiềm ẩn khi vay hộ tiền cho người khác cũng phải được các chủ thể lưu ý.

Đối với những khoản vay lớn hoặc vay tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết đều sẽ sử dụng một trong các biện pháp bảo đảm được quy định theo Bộ luật dân sự để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, một trong số biện pháp bảo đảm đó là thế chấp. Song không phải lúc nào người nhờ vay hộ tiền cũng có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc thậm chí có trường hợp dù có khả năng trả tiền những bên nhờ vay hộ vẫn cố tình không thực hiện, điều nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người xác lập hợp đồng vay. Luật Minh Gia xin gửi đến bạn dưới đây là một ví dụ:

Câu hỏi tư vấn: Chào các Luật sư, Khoảng năm 2012, gia đình em (bố và mẹ) thỏa thuận miệng với anh họ em để cho anh họ mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (đứng tên cả bố và mẹ) để anh ấy vay ngân hàng, đầu tư kinh doanh. Anh họ em là người trả nợ cho ngân hàng từ tời điểm đó đến nay, nhưng trên hợp đồng vay lại chỉ có hai bên là bố mẹ em và ngân hàng. Bố mẹ em cũng ký hợp đồng thế chấp căn nhà của bố mẹ em đề đảm bảo trả nợ cho ngân hàng.  Như vậy, nếu anh họ em không còn khả năng trả nợ, có phải bố mẹ em phải có nghĩa vụ trả nợ, nếu không trả được thì ngân hàng sẽ phát mãi nhà và đất của gia đình em không? Mẹ em nói rằng, mẹ muốn thảo một văn bản thỏa thuận về việc mượn GCNQSDĐ giữa anh họ và bố mẹ em để anh họ ký xác nhận vào. Văn bản này liệu có giá trị pháp lý không ạ? Em phải làm sao để lấy lại GCNQSDĐ của bố mẹ và chứng minh rằng người có nhu cầu vay tiền là anh họ chứ không phải bố mẹ em? Mong nhận được sự giúp đỡ của các Luật sư. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp bố mẹ bạn và ngân hàng xác lập hợp đồng vay tài sản và không có tên anh bạn trong hợp đồng.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, trên hợp đồng vay tài sản chỉ ghi nhận bên cho vay là ngân hàng và bên vay là bố mẹ của bạn, do đó căn cứ vào hợp đồng thì bố mẹ của bạn có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Vì vậy khi bố mẹ bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng theo thỏa thuận thì Ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất do bố mẹ bạn là chủ sở hữu.

Cũng theo thông tin mà bạn cung cấp thì anh họ có nhờ bố mẹ bạn vay tiền của ngân hàng và người được hưởng giá trị số tiền trong trường hợp này là anh họ chứ không phải là bố mẹ của bạn. Vì vậy, bố mẹ bạn có quyền yêu cầu anh họ hoàn trả lại số tiền mà đã nhận từ ngân hàng, trường hợp anh họ không tự nguyện trả thì bố mẹ bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận, huyện nơi anh họ cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được trả lại số tiền. Trong trường hợp anh họ không thừa nhận về việc nhờ vay hộ và nhận tiền thì bên cạnh đơn khởi kiện thì bố mẹ bạn phải có căn cứ chứng minh về việc giao nhận tiền giữa bố mẹ và anh họ như văn bản, video, hình ảnh…để Tòa án có cơ sở để thụ lý và giải quyết.

Việc bố mẹ bạn và anh họ soạn thảo văn bản về việc mượn sổ đỏ để thế chấp sẽ là một trong những chứng cứ chứng minh để bố mẹ bạn có thể lấy lại số tiền. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực tuy nhiên nếu các bên có nhu cầu thì có thể tiến hành công chứng hoặc chứng thực.

Trường hợp lấy lại GCNQSDĐ của bố mẹ.

Như đã phân tích nêu trên, dù chứng minh được bố mẹ bạn chỉ đứng tên để vay hộ anh họ bạn nhưng nếu không trả tiền cho ngân hàng đúng thỏa thuận thì tài sản thế chấp là quyền SDĐ vẫn bị xử lý.

Để lấy lại GCNQSDĐ tức là quyền sử dụng đất của bố mẹ bạn không còn là tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay giữa bố mẹ và ngân hàng thì anh họ bạn có thể dùng một tài sản khác của anh họ thay thế cho quyền sử đất của bố mẹ nhưng phải có sự đồng ý của ngân hàng. Trường hợp không có tài sản khác để thay thế, bố mẹ bạn buộc phải trả số tiền đúng hạn theo thỏa thuận, sau đó yêu cầu anh họ bạn trả lại số tiền.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo