Luật sư Vũ Đức Thịnh

Chia tài sản là đất đai khi sống chung trên mảnh đất

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp ông nội chia tài sản cho các con không đều có quyền khởi kiện để chia lại tài sản cho công bằng không? Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung đề nghị tư vấn:

Chào luật sư, e muốn hỏi trường hợp, Hiện tại ông nội em có 9 người con: 6 gái và 3 trai Hiện nay ông nội em có trên 1000 mét vuông đất có sổ đỏ và tuyên bố cho mỗi người con một nền 100 mét vuông (trai gái như nhau) nhưng chưa cắt đất riêng.
 
Trong thời gian này ông nội em trúng giải tỏa đền bù và được số tiền gần 2 tỉ đồng.
Sau đó chia cho mỗi đứa con gái là 170 triệu đồng trên một nền đất ở.. còn 3 người con trai thì 2 người em cũng được chia khoảng 170 triệu đồng. còn người anh đầu chỉ được có 12 triệu đồng. Khi đất chưa giải tỏa thì 4/6 người con gái và 1/3 người con trai sống trên mảnh đất đó..
Bố em là con trai trưởng trong gia đình sau khi có vợ đã về sống ở quê vợ, còn 2 chú thì 1 chú cũng sống ở quê vợ. Như vậy, 2 người em kia đều được chia khoảng 170 triệu đồng còn bố em chỉ được 12 triệu đồng. Gia đình em cũng có thắc mắc tại sao lại như vậy thì ông nội em nói là đất không có sổ đỏ nên như vậy.. Nhưng thực ra đất mà mọi người con được chia đều không có sổ đỏ và chưa cắt ra thành lô nhỏ.
Vậy cho e hỏi các người con có được nhận tiền đền bù có sổ đỏ theo pháp luật hay không. Nếu có thì bố em chỉ nhận được 12 triệu và có nên gửi đơn kiện không? Nếu gởi đơn kiện thì phải làm như thế nào và cần những gì?
Em xin cảm ơn ạ!

Chia tài sản là đất đai khi sống chung trên mảnh đất
 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng về vấn đề đất này được cấp cho hộ gia đình hay cấp cho cá nhân. Do đó, có thể có các trường hợp sau:

- Trường hợp 1: Đất được cấp cho Hộ gia đình

Trường hợp này, nếu đất được cấp cho hộ gia đình thì việc xác định chủ sở hữu dựa vào sổ hộ khẩu của gia đình. Các thành viên có tên trong Sổ hộ khẩu sẽ có quyền sở hữu ngang nhau đối với phần diện tích đất đó. Và việc định đoạt tài sản chung trong trường hợp này phải được sự đồng ý của các đồng sở hữu còn lại. Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
 

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

 

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

 

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

 

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

 

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

 

4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

 

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

 

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này.


- Trường hợp 2: Đất được cấp cho cá nhân

Trường hợp này, nếu đất được cấp cho cá nhân thì cá nhân đó có quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Do đó, trong trường hợp của gia đình bạn, đất được cấp cho ông nội bạn khi đó ông nội bạn sẽ có quyền định đoạt đối với phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Như vậy, ông bạn có quyền quyết định chia cho tài sản cho ai và chia như thế nào theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013:
 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”


Vậy việc ông nội bạn có nói sẽ chia cho mỗi người con 1 phần đất bằng nhau trước khi được đền bù. Tuy nhiên, pháp luật có quy định, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành hợp đồng và có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

“a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

…”

Do đó, việc ông bạn có nói là sẽ chia đất cho các con, tuy nhiên, những lời nói đó không được coi là có giá trị pháp lý, mặc dù có sự làm chứng, chứng kiến của các người con anh em khác trong gia đình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia tài sản là đất đai khi sống chung trên mảnh đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến  để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo