Trần Diềm Quỳnh

CHIA ĐẤT ĐAI CỦA NGƯỜI Ở ĐỘC THÂN

Bà 7 muốn làm di chúc chia đất có 3 người chúng tôi. Vậy bà 7 làm di chúc vậy có đúng không? Thủ tục như thế nào?

 

Bên ngoại tôi có người bà (sau đây gọi là Bà 7) ở độc thân (không có gia đình), Bà 7 có một miếng đất và căn nhà trên miếng đất đó. Ông ngoại tôi thứ 6 là anh ruột của Bà 7, có 3 người con. Bà 10 tôi là em ruột của Bà 7, có 5 người con. Ông Tư tôi (đã chết) là anh ruột của Bà 7, có 4 người con. Ông 3 tôi (đã chết) là anh ruột của Bà 7, có 3 người con. Hiện tại tôi cùng một người con của Bà 10 và một người cháu nội của ông Tư cùng chăm sóc cho Bà 7. Do Bà 7 tuổi đã lớn nên muốn làm di chúc chia miếng đất ra làm 3 cho 3 người đang chăm sóc cho mình gồm: tôi, một người con của Bà 10 và một người cháu nội của ông Tư.

1. Xin luật sư tư vấn trường hợp Bà 7 làm di chúc như trên có đúng pháp luật hiện hành không? Thủ tục theo quy định như thế nào?

2. Nếu Bà 7 muốn làm thủ tục tách sổ đỏ ra làm 3 cho 3 người trước khi chết và không cần làm di chúc có được không? Thủ tục theo quy định như thế nào?

Trân trọng cảm ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“Người lập di chúc có quyền sau đây:

 

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

 

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

 

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

 

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

 

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”

 

Như vậy, bà 7 có những quyền theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015, trong đó được chỉ định người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Do đó bà 7 làm di chúc chia mảnh đất cho 3 người là bạn, một người con của bà 10 và một người cháu nội của ông Tư là đúng quy định của pháp luật.

 

Theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

 

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”

 

Việc lập di chúc của bà 7 phải đảm bảo đủ các điều kiện tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 như minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Nội dung di chúc không được trái pháp luật…

 

Theo Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”

 

Bà 7 có thể lựa chọn lập di chúc bằng một trong những hình thức bằng văn bản hoặc di chúc miệng.

 

Theo Điều 144 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

 

"4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở."

 

Vì bạn không cung cấp thông tin bạn đang ở tỉnh, thành phố nào nên chúng tôi không thể tư vấn chi tiết. Nhưng diện tích phần đất đã được tách thửa phải lớn hơn diện tích đất tối thiểu mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

 

Ngoài ra, diện tích đất và căn nhà của bà 7 có phải do bà 7 đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Nếu bà 7 đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất của bà 7 đảm bảo điều kiện diện tích đất tối thiểu như trên, thì bà 7 không cần lập di chúc mà vẫn có thể tách thửa đất.

 

Theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau.

 

“1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.


2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

 

a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

 

b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

 

c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”

 

Vì vậy, nếu đủ điều kiện tách thửa đất như trên, bạn phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị tách thửa bao gồm: đơn xin tách thửa (theo mẫu), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính), văn bản chia tách thửa đất. Với thời hạn giải quyết không quá 20 ngày.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Hoàng Thủy - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo