Lò Thị Loan

Cha mẹ mất không để lại di chúc thừa kế đất thì phân chia thế nào cho hợp lý?

Theo quy định của pháp luật dân sự nếu người chết không để lại di chúc thì sẽ thực hiện chia tài sản theo quy định của pháp luật. Việc thừa kế được thực hiện như thế nào? Vậy đối với trường hợp cha mẹ mất để lại mảnh đất 10.000m2 nhưng không có di chúc thì chia như thế nào cho hợp lý và các vấn đề pháp lý khác có liên quan? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi

1) Luật sư tư vấn quy định pháp luật về thừa kế.

Khi bạn có thắc mắc và liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về thừa kế như:

+ Nắm được các quy định của pháp luật về di sản thừa kế;

+ Nắm được các trình tự, thủ tục hưởng trợ di sản thừa kế về đất đai mà không có di chúc để lại;

+ Biết được cách xử lý khi có tranh chấp về thừa kế;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2) Quy định pháp luật và cách giải quyết tranh chấp về thừa kế.

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư, mong luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi việc tranh chấp như sau: Ông bà nội tôi có 4 người con, khi qua đời để lại 10.000m2 đất không có di chúc. Năm 1994 gia tộc có tranh chấp và phòng nông nghiệp đã giải quyết với sự thống nhất của gia tộc là chia phần đất trên làm 5 phần: 4 người con của ông bà tôi mỗi người 1phần. Còn lại 1phần dùng làm đất thổ mộ dùng chung trong  thân tộc. Xác nhận đây là tài sản của 4 anh em. Nhưng năm 1996 không biết vì lý do gì ubnd huyện lại cấp sổ đỏ cho 1người con của ông bà tôi mà 3 người còn lại không hề hay biết. Mãi đến 2015 khi địa phương có chủ trương đô thị hóa không cho chôn cất, 3 người con của ông bà, tôi mới thống nhất chia phần đất thổ mộ này đều cho 4 người sau khi đã khoanh vùng trừ ra phần đất có mộ. Lúc này 3 người mới biết là đất đã được cấp sổ đỏ cho riêng 1 người con của ông bà tôi. 3 người con của ông bà tôi đã làm đơn nhờ chính quyền can thiệp để thực hiện đúng theo biên bản đã ký năm 1994, cụ thể là chia phần đất trên làm 4 phần bằng nhau, đã 4 năm qua tòa án xử tới xử lui vẫn chưa xong.  Xin luật sư tư vấn cho tôi được biết tôi có nên khởi kiện UBND về việc cấp sổ đỏ sai trái này không. Về phần tòa án xử  là chia làm 5 phần và người được cấp sổ đỏ được hưởng 2 phần như vậy có hợp lý hay không. Xin được nói thêm người có sổ đỏ này đã từng được hưởng trọn 20000m2 đất của 2 người em của ông bà tôi khi chết để lại không có đi chúc. Hiện tại 3 trong số 4 người con của ông bà tôi đã chết. Xin luật sư tư vấn cho tôi được biết phải làm sao. Chân thành cảm ơn luật sư. Kính chào.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, di sản thừa kế.

Căn cứ vào Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

...”.

Đối với trường hợp của bạn, ông bà nội có 4 người con, khi qua đời có để lại một mảnh đất 10.000m2 không có di chúc thì đất này sẽ được thừa kế theo pháp luật.

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau: “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”.

Theo đó, 4 người con của ông bà nội bạn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, sau khi ông bà nội bạn mất thì những người này có quyền tự thỏa thuận với nhau để phân chia di sản thừa kế, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc phân chia di sản thừa kế.

Nếu thời điểm 1994 có tranh chấp và phòng nông nghiệp đã giải quyết trên cơ sở thống nhất của cả gia tộc là chia đất này thành 5 phần, 4 phần chia cho mỗi người con của ông bà nội một phần, 1 phần còn lại là tài sản chung của 4 anh em dùng làm đất thổ mộ sử dụng chung trong thân tộc thì có thể xác định là di sản đã được các thừa kế thỏa thuận phân chia.

Thứ hai, về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Theo thỏa thuận, di sản thừa kế đã được thỏa thuận phân chia trong đó mỗi ng được 1 phần riêng và còn 1 phần thuộc sở hữu chung của 4 anh em, do đó nếu năm 1996 toàn bộ mảnh đất đã được cấp sổ đỏ và đứng tên của riêng một người con của ông bà nội bạn mà chưa có sự đồng ý của 3 người còn lại, cũng như không biết về việc cấp sổ. Trong trường hợp này, 3 người họ có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện đã thực hiện việc cấp sổ đỏ cho người con đó.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp như sau:

“2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.

Theo đó, nếu như qua quá trình thẩm tra có căn cứ về việc Giấy chứng nhận đã cấp vào năm 1996 đó là trái với quy định của pháp luật do không đúng đối tượng sử dụng đất hoặc không đủ điều kiện được cấp,... thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.

Thứ ba, bản án, quyết định của Tòa án.

Trên thực tế, tranh chấp đối với đất này đã được Tòa án giải quyết, do bạn không cung cấp được rõ nội dung của bản án nên trường hợp này chúng tôi không thể khẳng định Tòa án giải quyết như vậy có hợp lý hay không.

Nếu bạn thấy bản án đó không hợp lý thì bạn có quyền làm đơn kháng cáo, tuy nhiên thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo thì bạn có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị (Điều 331 và Điều 354 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo