Mạc Thu Trang

Cần sự đồng ý của những ai khi chuyển quyền sử dụng đất?

Luật sư tư vấn về vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giá trị pháp lý của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung tư vấn: Kính gửi: CÔNG TY LUẬT MINH GIA. Nhờ các Anh Chị tư vấn giúp Em việc thừa kế sử dụng đất. Vấn đề của Em là như thế này, gia đình Nội Em có 3 người con trai, Bố Em và 2 ông chú. Trước năm 1998 Bố Em và chú út đã có sở hữu đất riêng (không ở chung với Ông Nội), chỉ có chú giữa thì ở chung với Ông Nội. Năm 1999 chú giữa mất và không còn ai coi nhà từ đường và ở với Ông Nội, vì thế Ông nội có họp gia đình bàn giao đất lại cho Bố và chú út, lúc đó Bố Em định cư ở nơi khác, Bố bảo vì lập nghiệp ở xa nên Bố để lại cho chú út, nhưng chú út lại không nhận vì thế Bố Em đã bán đất ở về sống cùng Nội. và lúc đó Nội có bàn giao lại đất cho Bố nhưng chỉ là tờ giấy viết tay có chữ ký, Bố, chú, Ông Nội, và các Bác trong dòng họ, không có chữ ký của xã. (nội dung Bố cất nhà từ đường và quyền sử dụng đất đó, mãi mãi về sau không ai được tranh chấp). Nay nội đã già và Bố muốn sang  quyền sử đất sang tên của Bố (trước giờ ông nội đứng tên) vì chú út về kiện tranh chấp đất. Xin hỏi Luật Sư, Bố và Ông Nội lên xã sang tên quyền sử dụng đất cho bố được không? hay là phải có chú ký tên. (chú không đồng ý ký tên) sau này tranh chấp sảy ra Bố có quyền được thừa hưởng mảnh đất đó không? tờ giấy chuyển quyền sở hiệu đất viết tay đó còn hiệu lực hay không? Kính mong Luật Sư tư vấn giúp Em. Trân trọng!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Trong thông tin mà bạn cung cấp thì có xác định là trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông nội bạn đứng tên. Do đó, chúng tôi hiểu ông nội bạn có toàn quyền chuyển nhượng cho người khác mà không cần sự đồng ý của bất kỳ ai. Căn cứ vào khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất."

 

Vì vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của ông nội bạn sang cho bố bạn chỉ cần có sự đồng ý của ông nội, không cần có sự đồng ý của chú út. 

 

Nếu trong trường hợp ông bạn chuyển nhượng quyền sử  dụng đất cho bố bạn đúng quy định của pháp luật và tại thời điểm tranh chấp bố bạn đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có hợp đồng tặng cho, di chúc đúng quy định của pháp luật thì bố bạn có quyền thừa hưởng mảnh đất này.

 

Đối với hiệu lực của giấy tờ chuyển quyền sở hữu viết tay như ở trên thì theo quy định của pháp luật tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013:

 

"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: 

 

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

 

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

 

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

 

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã."

 

Do đó, giấy tờ tặng cho như trên để có hiệu lực pháp luật cần phải thông qua thủ tục công chứng, chứng thực. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo