Câu hỏi tư vấn: Vào năm 1988 cha tôi được chủ tịch UBND xã cấp đất rừng theo công văn 314 của UBND huyện cho tuyến dân cư lấn biển, trong đó có thửa đất 303 diện tích 2 hecta hoang dại tòan rau sam.
Từ đó gia đình tôi cố công đào mương trồng trọt cây dừa lá và đước phủ xanh rừng hoang theo chủ trương rừng phòng hộ của nhà nước. Suốt 29 năm nay gia đình tôi thường xuyên ra vào giữ rừng và canh tác, hàng năm đốn lá bán 3 đợt, mỗi đợt 2 muôn lá với số tiền 5 triệu đồng; cây đước cứ 3-4 năm đốn tỉa và dặm lại 1 lần, mỗi lần thu được 20 triệu đồng, không có tranh chấp với ai kể cả ông R.
Nay mảnh đất này lọt vào khu quy hoạch cụm công nghiệp 1,2 thì ông R hộ liền kề viết đơn kiện gia đình tôi đoạt đất của ông trồng rừng, yêu cầu gia đình tôi chia đôi đất và tài sản. UBND xã đã hòa giải 2 lần và yêu cầu gia đình tôi đồng ý chia đôi đất và tài sản trên đất với ông R vì gia đinh tôi có công nhưng không có giấy tờ, còn ông R không có công nhưng có giấy nhận khóan giữ rừng 200.000đ/mẫu/năm từ 26/11/2003. Tôi thấy như vậy là quá bất công với gia đình tôi, vì ông R có giấy sau 16 năm gia đinh tôi đang canh tác, hơn nữa ông không hề giữ rừng, không hề canh tác và không tốn giọt mồ hôi nào mà đòi chia của, tôi thấy rất xót và rất bất công.
Uỷ ban nhân dân xã yêu cầu tôi làm đơn kiện ông Rành để được hòa giải lần 3 trước khi ra tòa, vì ông Rành có giấy tờ là hợp lệ không cần tranh chấp nữa. Xin luật sư tư vấn giúp, bây giờ tôi phải làm sao để giữ gìn được mảnh đất mà người cha quá cố của tôi nhọc nhằng lao khổ hàng chục năm dài.để lại. xin chân thành cám ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, rõ ràng về hồ sơ giấy tờ chứng minh quá trình, hiện trạng sử dụng của gia đình cũng như căn cứ cấp giấy chứng nhận khoán giữ rừng của ông R nên không đưa ra hướng tư vấn cụ thể cho bạn. Do đó, để nhận được sự hướng dẫn tư vấn chính xác nhất thì yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin, hồ sơ của hai bên (gia đình và ông R). Tuy nhiên, dựa vào những thông tin của bạn thì để giải quyết bạn cần có căn cứ chứng minh sau. Cụ thể, Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết Luật đất đai.
Điều 91. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành
1. Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 và Điều 18 của Nghị định này thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
a) Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
b) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
c) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;
đ) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
2. Căn cứ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành.
Theo đó, trước hết bạn cần làm rõ vấn đề đầu tiên là ông R được Uỷ ban cấp giấy nhận khoán giữ rừng với 200.000đ/mẫu/năm từ 26/11/2003 dựa trên căn cứ, quyết định nào của nhà nước trong khi gia đình bạn đã được cấp đất rừng từ 1988 và từ thời điểm được giao lý do cho việc ông R không trực tiếp trông coi giữ rừng, canh tác rừng là gì ...( thông qua gửi đơn khiếu nại gửi chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã để yêu cầu được trả lời bằng văn bản).
Đối với phần gia đình mặc dù không còn giữ giấy tờ về quyết định cấp đất nhưng gia đình có thể dựa vào căn cứ sau để giải quyết tranh chấp đất đai. Liên hệ Uỷ ban nhân dân xã để yêu cầu rà soát, kiểm tra lại hồ sơ địa chính tại thời điểm năm 1988 về cấp giao khoán đất rừng cho tuyến dân cư lấn biển để làm cơ sở chứng minh cho việc sử dụng đất của mình là đúng và để xác định việc cấp đất rừng có thời hạn sử dụng hay không. Đồng thời, chứng minh cho quá trình sử dụng canh tác liên tục ( thửa đất 303 diện tích 2 hecta hoang dại tòan rau sam được gia đình trồng trọt cây dừa lá và đước phủ xanh rừng hoang theo chủ trương rừng phòng hộ của nhà nước, nên thường xuyên ra vào giữ rừng và canh tác, hàng năm đốn lá bán 3 đợt, mỗi đợt 2 muôn lá với số tiền 5 triệu đồng; cây đước cứ 3-4 năm đốn tỉa và dặm lại 1 lần, mỗi lần thu được 20 triệu đồng, không có tranh chấp với ai kể cả ông R cho đến nay khi có quy hoạch thu hồi đất mới xày ra tranh chấp với ông R); có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận về việc cấp đất rừng dựa theo công văn 314 của UBND huyện. Ngoài ra, gia đình có thể xin xác nhận của các hộ dân liền kề về thời điểm, quá trình bắt đầu và hiện trạng sử dụng của gia đình.
Theo đó, để giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai đối với diện tích đất rừng giữa gia đình và ông R thì gia đình cần chuẩn bị đầy đủ căn cứ chứng minh trên để làm cơ sở để giải quyết. Trong trường hợp hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã nhưng kết quả không thành thì để đảm bảo quyền lợi của mình thì gia đình sẽ làm đơn khởi kiện trực tiếp ra Tòa án nhân dân huyện để giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp không có giấy tờ QSDĐ?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.