Lò Thị Loan

Bồi thường khi bị thu hồi đất để làm đường trước năm 2003

Nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất? Xử lý thế nào đối với phần đất còn lại sau khi nhà nước thu hồi đất? Trường hợp bồi thường bằng giao đất mới (nhà ở mới) mà có chênh lệch về giá trị thì giải quyết như thế nào?

Câu hỏi: Thưa luật sư cho tôi hỏi. Mảnh đất gắn liền với nhà của gia đình tôi trước đây được cấp sổ đỏ là 525m2, nhưng từ năm 2003 dự án đường Thanh niên ven biển đi qua nên gia đình tôi bị đường trúng một phần nhà và được đền bù đến nơi ở mới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 300m2. Vậy cho hỏi nhà tôi vẫn còn 225m2 sao không được đền bù và không cấp giấy sử dụng đất. Bìa đỏ cũ của gia đình tôi đã mất vậy tôi có quyền đòi lại mảnh đất còn lại ở vị trí đất cũ không? Quy định thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn thì chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trường hợp thu hồi đất của gia đình bạn (để làm đường) đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vào năm 2003 nên các vấn đề pháp lý về thu hồi đất được giải quyết theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cụ thể:

- Điều 5. Nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất:

"Khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 1 của Nghị định này, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người có đất bị thu hồi được đền bù bằng tiền, nhà ở hoặc bằng đất.

Khi thực hiện đền bù bằng đất hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch về diện tích hoặc giá trị thì phần chênh lệch được giải quyết theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định này."

- Điều 12. Xử lý một số trường hợp cụ thể về đất ở:
"1. Trường hợp diện tích đất còn lại sau thu hồi nhỏ hơn diện tích theo mức quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Nghị định này, nếu chủ sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được giữ lại, nhưng phải sử dụng theo quy hoạch; trường hợp phần diện tích đất ở còn lại không đủ để xây dựng nhà ở, thì khuyến khích họ chuyển nhượng cho hộ lân cận hoặc yêu cầu Nhà nước thu hồi phần diện tích này và được đền bù như phần đất bị thu hồi."


Trước hết bạn cần xem quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi mà cơ quan có thẩm quyền đã giao cho gia đình bạn, trong đó nêu rõ về diện tích đất bị thu hồi, loại đất bị thu hồi, mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư.

Trường hợp gia đình bạn bị thu hồi hết diện tích 525 m2 đất thì sẽ không có quyền đòi lại mảnh đất ở vị trí cũ (đã bị thu hồi). Bên cạnh đó, nếu giá trị 300m2 đất tái định cư và giá trị 525 m2 đất bị thu hồi có chênh lệch thì gia đình bạn được hưởng chênh lệch theo Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định trên, cụ thể:

- Đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản thì: "Trong trường hợp đất đền bù có giá đất thấp hơn của đất bị thu hồi thì người bị thu hồi đất được đền bù bằng tiền phần chênh lệch đó, nếu đất đền bù có giá đất cao hơn giá đất của đất bị thu hồi thì người được nhận đất đền bù không phải nộp tiền phần chênh lệch đó."

- Đất bị thu hồi là đất ở tại đô thị thì: "Trong trường hợp đất ở bị thu hồi lớn hơn diện tích đất ở được đền bù thì người bị thu hồi đất ở có thể được đền bù thêm một phần diện tích đất ở tuỳ theo quỹ đất của địa phương, phần còn lại thì được đền bù bằng tiền."

- Đất bị thu hồi là đất ở tại nông thôn thì: "Người bị thu hồi đất được đền bù bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nhưng mức tối đa được đền bù bằng đất tại nơi ở mới là mức đất ở theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai, nếu có chênh lệch về giá đất thì được đền bù bằng tiền cho phần chênh lệch đó."

Trường hợp gia đình bạn chỉ bị thu hồi một phần của thửa đất 525 m2 thì:

Một là, nếu phần đất còn lại đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại địa phương bạn (điều kiện về hạn mức giao đất ở tại địa phương bạn) thì bạn có thể xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với phần đất này.

Hai là, nếu phần đất còn lại không đủ điều kiện mà người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng thì được sử dụng theo quy hoạch tại địa phương.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 38 Nghị định trên về khiếu nại và thời hiệu thì:
"Người bị thu hồi đất nếu thấy quyết định đền bù thiệt hại không đúng với quy định thì được quyền khiếu nại và được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Khiếu nại và tố cáo của công dân. Người khiếu nại phải gửi đơn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đền bù thiệt hại, quá thời hạn này đơn khiếu nại không còn giá trị xem xét xử lý.

Trong khi chờ giải quyết khiếu nại vẫn phải chấp hành di chuyển giải phóng mặt bằng và giao đất đúng kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định."

Như vậy, đến thời điểm này thì bạn không còn quyền khiếu nại về việc thu hồi đất trên.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường khi bị thu hồi đất để làm đường trước năm 2003. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo