Mạc Thu Trang

Bị hàng xóm làm sổ đỏ trên đất do cho thuê không viết giấy

Gia đình tôi mua lại đất của ông bà và làm giấy tờ tay, có chữ ký của các cô chú, bác trong gia đình được hơn 20 năm. Đất hiện không canh tác nên cho hàng xóm mượn nhưng vì tin tưởng nên không viết giấy cho mượn được 10 năm.

 

Gia đình hàng xóm là cán bộ ở phường chúng tôi, khi bố tôi lên phường làm sổ đất thì ở phường báo đất này đã cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn A (Bác hàng xóm). Sau đó bố tôi trình bày đây là đất của ông bà bán lại cho gia đình tôi và đưa giấy tờ tay thì cán bộ hẹn để kiểm tra lại. Sau thời gian hẹn bố tôi lên và phường báo đã cấp nhầm đất cho ông Nguyễn Văn A, phường có yêu cầu ông A giao lại sổ đỏ nhưng ông A báo mất và đã ký đó là đất của gia đình tôi, nhưng phường không đưa giấy đó cho bố tôi và bố tôi cũng sơ ý không hỏi. Phường đã hẹn làm sổ đỏ cho gia đình, và gia đình tôi cũng nhận được sổ đỏ. Hơn năm sau bố tôi lên gia hạn đất đồng thời chuyển nhượng đất cho anh trai tôi, đã được phường và sở tài nguyên môi trường xác nhận. Hai năm sau 2 bác hàng xóm bị tai nạn qua đời, con của bác hàng xóm rào đất nhà tôi lại, gia đình nói sao lại rào đất nhà tôi thì con bác hàng xóm trình sổ đỏ nói đây là đất của nhà nên rào lại. Gia đình tôi lên phường khiếu nại thì ở phường nói sổ đỏ được cấp trước là sổ sở hữu đất, gia đình tôi không biết phải làm sao cả. Xin hỏi làm thế nào để gia đình tôi lấy lại đất của mình?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi của mình đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Trước tiên phải khẳng định với bạn rằng trong số các loại giấy tờ chứng nhận về đất đai không có "sổ sở hữu đất". Đó có thể là cách gọi ở địa phương bạn đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đổ). Trường hợp của bạn, gia đình bạn thì cho rằng thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của anh trai bạn, do bố bạn mua lại của ông bà và để lại. Về phía ông Nguyễn Văn A, gia đình ông A cũng lại cho rằng đất thuộc quyền sử dụng của mình. Hai bên đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đó. Điều này vô lý vì một thửa đất chỉ có thể được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một người sử dụng đất (trừ trường hợp có nhiều người chung quyền sử dụng đối với một thửa đất). Như vậy cả hai bên đều cho rằng quyền sử dụng thửa đất thuộc về mình. Đây là một dạng tranh chấp đất đai: tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất.

 

Đối với tranh chấp này, hai bên không thể thương lượng hòa giải với nhau thì có thể đưa vụ việc ra cơ quan nhà nước để giải quyết. Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn mua lại đất của ông bà, có giấy tờ và có các cô chú, bác trong gia đình chứng kiến và ký tên trên giấy. Sau đó bố bạn chuyển nhượng lại cho anh trai bạn. Do vậy gia đình bạn có giấy tờ chứng minh cho quyền sử dụng đất hợp pháp và quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh trai bạn. Trong khi cả hai bên, gia đình bạn và gia đình ông A đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó. Gia đình bạn có những giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng, kèm theo những giấy tờ về nghĩa vụ tài chính đất đai đối với nhà nước (như biên lai thu tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất…) thì sẽ thuyết phục được cơ quan nhà nước trong việc khẳng định quyền sử dụng thửa đất thuộc về gia đình mình, cụ thể là anh trai bạn.

 

Trình tự đưa vụ việc ra trước cơ quan nhà nước để giải quyết được tiến hành như sau.

Trước tiên, anh trai bạn nên đề nghị Tổ hòa giải tại thôn, tổ dân phố,… tổ chức tiến hành hòa giải cơ sở theo Luật Hòa giải cơ sở 2013. Tuy nhiên, thủ tục này là không bắt buộc. Trường hợp trải qua hòa giải cơ sở mà gia đình ông A không chấp nhận trả lại đất, anh trai bạn viết đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã hòa giải theo quy định của Luật Đất đai 2013, như sau:

 

“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

 

Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện ra tòa.

 

Như vậy, trường hợp hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã không thành, anh trai bạn có quyền khởi kiện vụ án ra Tòa án nhân dân huyện nơi có thửa đất tranh chấp hay chính là nơi cư trú trong trường hợp này. Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã cũng là thủ tục bắt buộc để khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Tại tòa án, gia đình bạn cần đưa ra những chứng cứ cho việc chứng minh quyền sử dụng đất thuộc về mình như các giấy tờ nêu trên: giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bố bạn và ông bà, giữa bố và anh trai bạn, giấy tờ giữa gia đình và cơ quan nhà nước liên quan đến thửa đất trên,… Tòa án sẽ căn cứ toàn bộ chứng cứ các bên đưa ra, phân tích và đưa ra phán quyết thửa đất thuộc quyền sử dụng của một trong hai bên. Trên cơ sở thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy gia đình bạn có căn cứ hợp lý để khẳng định quyền sử dụng đất thuộc về mình. Do vậy, gia đình bạn cần thực hiện các bước nêu trên để khởi kiện ra tòa án đòi lại quyền sử dụng đất đang bị người khác chiếm hữu.

 

Bài viết dựa trên những căn cứ vào thông tin thực tế bạn cung cấp, nếu thấy rằng bài viết chưa sát với thực tế trường hợp của bạn hãy phản hồi với chúng tôi và cung cấp thêm thông tin để có thể được tư vấn chính xác. Và để được tư vấn cụ thể hơn, cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể liên hệ với tổng đài 1900.6169 của công ty Luật Minh Gia để được tư vấn một cách đầy đủ nhất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bị hàng xóm làm sổ đỏ trên đất do cho thuê không viết giấy. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Lương Đình Thiện - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo