Luật sư Trần Khánh Thương

Yêu cầu thi hành án sau khi có quyết định của Toà án

Yêu cầu thi hành án sau khi có quyết định của Toà án: Câu hỏi đề nghị tư vấn: Kính gửi Luật Gia. Nhà tôi làm ca phê và năm 2010 có ký gửi đại lý 3 tấn cafe nhân. Nhưng năm đó đại lý này tuyên bố phá sản, không có khả năng trả, bố mẹ tôi có kiện ra tòa để đòi lại tài sản bị mất, thì Tòa án Huyện đã có quyết định yc vợ chồng nhà Đại lý cà phê này phải trả lại cho nhà tôi 100 triệu,

 

 

... Nhưng đến nay Đại lý đó vẫn chưa chịu thi hành án. Bố mẹ tôi đã viết đơn đi nhiều nơi và có văn bản chỉ đạo của vp chính phủ yc ubnd tỉnh xử lý vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa xử lý. Vậy chúng tôi phải kiện ai. Cảm ơn luật sư. Nhờ luật sư giải đáp giúp.

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Sau khi nhận được quyết định của Toà án, nếu bên phải thi hành án không tự nguyện trả lại tài sản theo quyết định thì bên được thi hành án (bố mẹ anh/chị) có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, quyền yêu cầu thi hành án chỉ tồn tại trong một thời hạn nhất định được gọi là "Thời hiệu thi hành án". 

 

Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.

 

Điều 30 Luật thi hành án dân sự quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự như sau:

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

 

Theo đó, thời hiệu để gia đình anh/chị yêu cầu thi hành bản án trên là 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực hoặc ngày nghĩa vụ đến hạn. Theo thông tin anh chị cung cấp thì Toà án ra bản án năm 2010, anh chị đối chiếu ngày tháng cụ thể theo quy định nêu trên để xác định còn thời hiệu yêu cầu hay không. Trường hợp quá thời hạn 5 năm nêu trên mà không chứng minh được là do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng làm cản trở thì bố mẹ anh/chị mất quyền yêu cầu thi hành án.

 

Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan phải thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
 

- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; 
 

- Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. 


Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

 

 

1 |==========================

Hỏi về thi hành án

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Kính gửi Luật Gia. Nhà tôi làm ca phê và năm 2010 có ký gửi đại lý 3 tấn cafe nhân. Nhưng năm đó đại lý này tuyên bố phá sản, không có khả năng trả, bố mẹ tôi có kiện ra tòa để đòi lại tài sản bị mất, thì Tòa án Huyện đã có quyết định yc vợ chồng nhà Đại lý cà phê này phải trả lại cho nhà tôi 100 triệu, nhưng đến nay Đại lý đó vẫn chưa chịu thi hành án. Bố mẹ tôi đã viết đơn đi nhiều nơi và có văn bản chỉ đạo của vp chính phủ yc ubnd tỉnh xử lý vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa xử lý. Vậy chúng tôi phải kiện ai. Cảm ơn luật sư. Nhờ luật sư giải đáp giúp.

 

Trả lời tư vấn:

 
Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi  tư vấn như sau:
 
Vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng ký gửi cà phê trên đã được giải quyết tại tòa án bằng một bản bán có hiệu lực pháp luật. Do vậy nếu không có sự kiện mới phát sinh, không có thêm tình tiết mới làm thay đổi nội dung tranh chấp thì không thể khởi kiện lại. Trường hợp đã có bản án của Tòa án thì gia đình anh/chị có thể gửi đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành án tới chi cục thi hành án  nơi xét xử bản án sơ thẩm.

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!
 
 

2 |==========================

Yêu cầu nộp tiền án phí của cơ quan thi hành án

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Thưa luật sư, xin giải đáp giúp tôi: - Tôi đại diện cty vay ngân hàng, vì thua lỗ, quá hạn, ngân hàng khởi kiện, thẩm phán đề nghị hoà giải, sau đó tôi xoay sở và giải chấp. Mọi chuyện giải quyết xong, cty tôi cũng giải thể luôn. Sau thời gian 5 tháng, nhân viên thi hành án điện thoại hỏi án phí. Vậy trong trường hợp này tôi có phải đóng án phí không? Xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm quy định tại Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12

 

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
 

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
 

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
 

4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
 

5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
 

6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
 

7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.
 

8. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
 

9. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
 

10. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
 

11. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định.
 

12. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
 

13. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.

 

Như vậy, sau khi có bản án, quyết định của Toà án, anh/chị căn cứ vào đó để xác định nghĩa vụ và thời hạn nộp án phí. Nếu trong bản án, quyết định của Toà án có xác định nghĩa vụ nộp án phí cho anh/chị nhưng anh chị chưa nộp thì nay anh/chị phải thực hiện. Nếu trong bản án, quyết định đó không xác định án phí hoặc anh/chị đã nộp án phí rồi thì nay không phải nộp thêm án phí.

 

Cán bộ thi hành án chỉ có thể yêu cầu anh/chị nộp phí thi hành án khi anh/chị hoặc bên được thi hành án có yêu cầu thi hành án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Yêu cầu thi hành án sau khi có quyết định của Toà án. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo