Lò Thị Loan

Yêu cầu bồi thường khi nhà xe vi phạm hợp đồng

Chúng em (gồm một đoàn hơn 30 người) vừa hợp đồng một chuyến xe du lịch từ tỉnh đak nông đi nha trang, như đã thỏa thuận, nhà xe phải đưa người của chúng em đi đúng lịch trình, đúng hẹn và đúng địa điểm (cả đi cả về), nhưng trong quá trình đi thì xe bị trục trặc giữa rừng, nhà xe yêu cầu toàn bộ hành khách (người của chúng em) xuống xe, và đợi đến khi sửa xong.

Chúng em (gồm một đoàn hơn 30 người) vừa hợp đồng một chuyến xe du lịch từ tỉnh đak nông đi nha trang, như đã thỏa thuận, nhà xe phải đưa người của chúng em đi đúng lịch trình, đúng hẹn và đúng địa điểm (cả đi cả về), nhưng trong quá trình đi thì xe bị trục trặc giữa rừng, nhà xe yêu cầu toàn bộ hành khách (người của chúng em) xuống xe, và đợi đến khi sửa xong. Chúng em phải xuống xe và phải ngồi đợi từ 11h trưa tới 21h (kết quả là chúng em bị lỡ hẹn) nhà xe mới gọi điện cho xe khác đưa chúng em đi. Trong chúng em có nhiều trẻ nhỏ và phụ nữ, tại nơi chúng em xuống xe là rừng, không có quán ăn, không có nước uống, chúng em phải chịu đói và nắng nóng rất nhiều (chưa kể bị muỗi đốt có thể bị bệnh). Rồi lúc về, nhà xe không đưa người của chúng em về tận nhà theo như đã thỏa thuận, mà bắt chúng em xuống xe tại một ngã 3 còn cách nhà khoảng 6 hoặc 7 kilomet nữa, chúng em phải đi bộ về nhà trong khi có nhiều trẻ em và phụ nữ say xe rất mệt mỏi. Chúng em phải chịu thiệt thòi về tinh thần, sức khỏe và phiền toái rất nhiều. Vậy xin hỏi luật sư, chúng em phải làm gì để được nhà xe bồi thường, cần những giấy tờ gì và gửi cho cơ quan nào? Và nếu cần luật sư cho em xin mẫu đơn của những giấy tờ ấy? Em xin cám ơn rất nhiều!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp của bạn, nhà xe có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, do đó có thể phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng như:  trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu đã gây thiệt hại), và có thể là trách nhiệm phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận. Bạn không nói trong hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm hay không nên chúng tôi không thể tư vấn kỹ về vấn đề này, tuy nhiên theo Điều 418 BLDS 2015 về Thỏa thuận phạt vi phạm thì:

 

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

 

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

 

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng:

 

“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

 

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

 

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”

 

Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi hành vi vi phạm hợp đồng dân sự đã gây ra một thiệt hại. Mặt khác một người chỉ phải chịu trách nhiệm dân do vi phạm hợp đồng khi họ có lỗi. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cần dựa trên các cơ sở:

 

- Có hành vi vi phạm hợp đồng

 

- Có thiệt hại xảy ra

 

- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra

 

- Người vi phạm hợp đồng có lỗi

 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 BLTTDS 2015 về Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì:

 

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.”

 

Như vậy nếu muốn đòi bồi thường từ nhà xe, bạn có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án. Bạn có thể tham khảo mẫu đơn khởi kiện tại đây.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Trần Phương Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo