Trần Diềm Quỳnh

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GT đường bộ?

Tư vấn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ? Cụ thể đối với trường hợp vi phạm về chiều cao, chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ, nội dung như sau:

 

Nội dung đề nghị tư vấn: Kính gửi chuyên mục hỏi đáp pháp luật Công ty luật Minh Gia về xin giải đáp giới hạn chiều dài và chiều cao khi tham gia giao thông. Tôi có một số điều chưa biết muốn hỏi các anh chị và rất mong được giúp đỡ như sau:

Tôi có chiếc xe tải 750 kg, để nguyên bản không đóng thùng. Kích thước bao dài x rộng x cao là: 3560 x 1400 x 1780 mm. Kích thước thùng dài x rộng x cao là: 2200 x 1400 x 300mm.

- Tôi muốn hỏi với kích thước như vậy tôi được phép chở hàng về chiều cao và chiều dài tối đa là bao nhiêu?

- Nếu tôi chở hàng chiều dài là 4000mm thì bị xử phạt như thế nào?

- Tôi đã dán số của biển số xe ở hai bên thành xe nhưng CSGT bảo vẫn bị phạt vì không dán ở thành phía sau của xe, như vậy có đúng không? 

Rất mong được sự giải đáp chi tiết của quí công ty theo điều khoản luật nào để tôi có căn cứ xếp hàng hóa khi tham gia giao thông mà không vi phạm.

 

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GT đường bộ?

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định về chiều cao, chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:

 

Điều 18. Chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

 

“1. Đối với xe tải thùng hở có mui, chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

2. Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:

 

a) Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét;

 

b) Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét;

 

c) Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét.

 

3. Xe chuyên dùng và xe chở container: chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.”

 

Điều 19. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ

 

“1. Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

2. Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.”

 

Vậy, trong trường hợp của bạn: chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét; chiều dài không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ xe theo thiết kế của nhà sản xuất.

 

Thứ hai, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định như sau:

 

“Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ

2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe;

…”

 

Vậy, nếu bạn chở hàng chiều dài là 4000mm thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi xếp hàng trên nóc thùng xe; xếp hàng vượt quá bề rộng thùng xe; xếp hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe. Ngoài ra còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.

 

Thứ ba, Điều 32 Thông tư 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe có quy định về Quy định kẻ biển số, chữ trên thành xe, cửa xe ô tô như sau:

 

“Đối với các loại xe ô tô (trừ các loại xe ô tô có 09 chỗ ngồi trở xuống), chủ xe phải thực hiện các quy định như sau:

 

1. Kẻ biển số xe ở thành sau và hai bên thành xe.

 

2. Kẻ tên cơ quan, đơn vị và tải trọng, tự trọng vào hai bên cánh cửa xe (trừ xe của cá nhân).”

 

Như vậy, theo chúng tôi bạn nên đảm bảo mình tuân thủ đúng Luật an toàn giao thông đường bộ để không vi phạm an toàn giao thông cũng như sẽ không gây ra các mối nguy hiểm khác cho người tham gia giao thông cũng như chính bản thân bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GT đường bộ?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV tư vấn: Hoàng Huyền – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo