Luật sư Phùng Gái

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác?

Câu hỏi tư vấn: Luật sư cho hỏi về mức xử phạt HC của người xúc phạm danh dự, nhân phẩm như sau: Gia đình tôi có vay của bà L một số tiền, nhưng bà L lại gạt số tiền nợ trên cho ông Q (có giấy tờ chuyển nhượng, chữ kí đầy đủ của ba bên). Ông Q khi đó đã tuyên bố gia đình tôi sẽ không còn liên quan đến bà L nữa, số tiền nợ hoàn toàn thuộc quyền của ông Q quản lí, bà L không được đến nhà tôi đòi nợ.

 

Trong thời gian gia đình tôi đang trả nợ dần cho ông Q thì bà L cùng với một đám thanh niên kéo đến nhà tôi và có những hàng động như: Dùng những lời chửi bới thô tục, lăng mạ đến nhân phẩm của những người trong gia đình tôi, cắt điện hộ gia đình tôi và các gia đình lân cận không cho kinh doanh sản xuất; phá cửa xưởng kinh doanh của tôi và ném đá, đất... lên các công cụ kinh doanh của gia đình tôi; sử dụng đến vũ khí quân dụng như kiếm, côn, gậy sắt... đe doạ đến tính mạnh gia đình tôi, chúng còn kéo nhau ra chợ, đánh đập, ném xô chậu uy hiếp những người thân của tôi đang buôn bán làm ăn.

Những tình trạng này diễn ra nhiều lần, đến hôm nay vẫn không chấm dứt khiến gia đình tôi rất hoang mang lo sợ, chúng tôi đã viết đơn trình báo lên công an xã và cả công an huyện nhưng họ đều có vẻ không mấy quan tâm đến, giải quyết vụ việc rất thờ ơ, không đem lại hiệu quả gì. Gia đình tôi đã hết trách nhiệm với bà L, nhưng bà L liên tục dẫn côn đồ đến nhà tôi uy hiếp bắt trả tiền cho bà L. Gia tôi trả nợ cho ai cũng được nhưng chỉ có một người hoặc ông Q hoặc bà L, nhưng bà L là người đã dẫn ông Q đến gia đình tôi và ép buộc gia đình tôi phải trả nợ cho ông Q, vì thế bà L phải liên lạc với ông Q để cả ba bên cùng đàm phán, nhưng bà L lại không chịu liên lạc với ông Q mà cứ uy hiếp gia đình tôi. Cứ tình trạng bị đe doạ uy hiếp thế này, gia đình tôi vô cùng hoang mang lo sợ, không thể an tâm làm ăn mà trả số nợ lớn được. Chúng tôi phải đối phó với đám thanh niên côn đồ như thế nào khi mà pháp luật không can thiệp? Trong trường hợp này rõ ràng bà L là người sai, nhưng lại cứ cố chấp không chịu gọi cho ông Q để làm rõ sự việc, gia đình tôi bị mắc kẹt ở giữa thì phải làm thế nào? Mong luật sư giúp đỡ và đưa ra câu trả lời sớm nhất. Xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì giữa ba bên đã có văn bản thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ, thay vì gia đình sẽ trả nợ cho bà L thì sẽ trả trực tiếp cho ông Q (bà L không còn liên quan tới quan hệ vay mượn ở đây nữa).

 

Đối với việc bà L cùng nhóm đối tượng thanh niên kéo đến nhà để chửi bới, lăng mạ nhằm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của gia đình, thâm chí phá hoại tài sản bằng việc ném đất, đá vào vật dụng, công cụ kinh doanh trong xưởng; sử dụng vũ khí như dao, kiếm, côn, gậy sắt để uy hiếp tinh thần gia đình là hành vi trái với quy định pháp luật.

 

Do đó, các đối tượng trên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tùy vào từng mức độ, hậu quả do hành vi gây ra mà sẽ đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính…

 

Như vậy, với hành vi kéo người tới gia đình để chửi bới, lăng mạ mà dẫn tới xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của gia đình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015:

 

Điều 155. Tội làm nhục người khác

 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

b) Đối với 02 người trở lên;

 

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

 

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

 

Tuy nhiên, nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phá hoại tài sản của các đối tượng trên chưa gây hậu quả nghiêm trọng tới gia đình thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a, khoản 1; điểm d khoản 2, điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 5 và nếu gây thiệt hại về tài sản còn có thể áp dụng xử phạt khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

..

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

...

d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác.

 

đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

..

 

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

 

b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

 

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ;

 

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

...

 

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

 

Theo đó, trong trường hợp để đảm bảo quyền lợi của mình buộc các đối tượng trên phải dừng hành vi vi phạm và chịu trách nhiệm trước hậu hậu do hành vi của mình gây ra thì gia đình sẽ làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền (cơ quan công an). Tuy nhiên, theo như thông tin cung cấp thì gia đình đã làm đơn trình báo tới công an cấp huyện nhưng không được giải quyết nên thời điểm hiện nay gia đình có thể làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp Cơ quan công an huyện để khiếu nại về vụ việc của mình không được giải quyết và yêu cầu cơ quan trực tiếp tiến hành xử lý. Trường hợp khiếu nại nhưng vẫn không được thì làm đơn gửi Cơ quan công an thành phố để đảm bảo cho quyền lợi gia đình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo