Hoài Nam

Xin hỏi về phân chia di sản thừa kế

kính gửi văn phòng luật sư Luật minh gia tôi năm nay 42 tuổi, hiện tại tôi đang làm ăn ở nước ngoài. Tôi xin hỏi như sau: Tôi và chồng tôi kết hôn được 15 năm thì chia tay, chúng tôi ly hôn nhưng ko phân chia tài sản,

 

chúng tôi có 3 con chung và hiện tại các cháu ở với tôi và tôi là người nuôi các cháu chứ Bố cháu ko chu cấp .Tài sản khi kết hôn chúng tôi ko có gì ngoài 2 bàn tay trắng , sau 15 năm làm cực khổ ở nước ngoài tôi đã gửi tiền về tạo dựng tại việt nam cho chồng tôi quản lý . Khi vợ chồng ko còn tình cảm và chúng tôi chấp nhận ly hôn nhưng tài sản vẫn đứng tên 2 người. Lợi nhuận từ tài sản trong mấy năm nay chồng tôi ko chia cho tôi đồng nào mà chiếm lấy hoàn toàn , con cái tôi phải tự nuôi mấy năm nay ko nhận được trợ cấp từ Bố cháu. 3 năm qua xét thấy chồng tôi là người vô trách nhiệm nên tôi đã gửi đơn yêu cầu tòa án TP huế giải quyết , vậy mà 2 năm qua ko biết chồng tôi lo lót kiểu nào mà họ gửi lên tòa Tỉnh rồi Tỉnh đưa về thành phố , giam cả năm trời giờ lại đưa về tỉnh. Tôi thì ko có thời gian ở việt nhiều nên họ cứ giam mãi.  Tài sản của chúng tôi cũng nhiều khoảng 100 tỷ đồng việt nam .Giờ tôi lo sợ nếu 1 ngày nào đó lở tôi có mệnh hệ nào đi thì PHẦN TÀI SẢN CỦA TÔI AI SẼ LÀ NGƯỜI HƯỞNG TRONG KHI VC ĐÃ LY HÔN .Tôi thấy văn phòng của Bạn tư vấn nhiều nên tôi muốn bạn hãy giúp tôi trả lời qua email này của tôi .Thành thật cảm ơn và mong hồi âm của văn phòng. Vì tôi đang ở nước ngoài nên ko thể liên lạc qua tổng đài Mong bạn hồi âm sớm giúp tôi 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Theo quy định tại Điều 631 BLDS 2005 thì “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

 

Căn cứ theo quy định trên, bạn có quyền lập di chúc để lại di sản thừa kế cho những người mà bạn muốn người đó sẽ được hưởng thừa kế. Tuy nhiên phần tài sản chưa chia giữa vợ chồng bạn nếu bạn không chứng minh được phần đóng góp của mình là bao nhiêu thì bạn chỉ được lập di chúc với 1 nửa số tài sản đó. Nếu bạn không để lại di chúc, khi bạn có mệnh hệ gì thì di sản thừa kế của bạn sẽ được chia theo pháp luật theo thứ tự hàng thừa kế quy định tại Điều 676 BLDS 2005:

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy, theo quy định trên thì những người được hưởng di sản thừa kế của bạn theo thứ tự sẽ là hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Khi hàng thừa kế thứ nhất không có ai nhận hoặc không đủ điều kiện để nhận thừa kế thì mới đến hàng thừa kế thứ hai rồi thứ ba. Tuy nhiên, vì vợ chồng bạn đã ly hôn nên khi chia di sản thừa kế theo pháp luật thì chồng bạn sẽ không được quyền hưởng thừa kế của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xin hỏi về phân chia di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Hồng Nhung - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo