Hoàng Thị Nhàn

Xâm phạm cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng

Tôi được nhân dân thỉnh mời và đã được chính quyền các cấp (từ cơ sở đến thành phố) chấp thuận theo đơn và được giáo hội bổ nhiệm trụ trì năm 2010. Khi về trụ trì, nhận thấy 2 cơ sở tín ngưỡng và cơ sở tôn giáo liền nhau, tôi đã họp và xin ý kiến chính quyền địa phương cùng với nhân dân để hợp nhất 2 cơ sở trên vào một quần thể tâm linh chung của địa phương
Nhân dân đã thống nhất và nhất trí tuyệt đối dưới sự chủ trì, chỉ đạo của chủ tịch UBND xã. Qua các cuộc hội nghị của xã và nhân dân địa phương đã thống nhất giao quyền cho tôi (trụ trì) quản lý trông nom giúp nhân dân toàn bộ quần thể tín ngưỡng tôn giáo. Tôi đã lập hồ sơ thiết kế trùng tu tôn tạo toàn bộ các hạng mục công trình trong quần thế tam linh và đã được UBND huyện cấp giấp phép xây dựng năm 2013. Khi có giấy phép tôi cùng nhân dân đã tiến hành xây dựng từng bước các hạng mục công trình, tuy nhiên vì đây là công trình di tích chưa xếp hạng nên mọi nguồn kinh phí đều do xã hội hóa. Vì vậy, chúng tôi mới triển khai được một số hạng mục như giảng đường, tòa tam bảo... Vấn đề là, kể từ cuối năm ngoái (2015), tôi có nhờ ban chấp hành hội người cao tuổi trông nom giúp tôi cơ sở tín ngưỡng (ngôi đền) trong khuôn viên quần thể đã quy hoach trên cơ sở chỉ nói miệng, cũng kể từ khi đó, các vị ấy dưới sự chỉ đạo của chính quyền thôn, đã tự ý làm xáo trộn mọi thứ nơi thờ tự, tự ý thay đổi chìa khóa, tự ý mở cổng ra vào, tự ý tổ chức tế lễ....tất cả những việc làm đó đã đi ngược lại truyền thống vốn có và không đúng với mong muốn của quần chúng nhân dân và đặc biệt đã vi phạm một trong những điều quy định trong pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, xâm phạm trực tiếp đến chức năng nhiệm vụ của chúng tôi trong cương vị trụ trì và trông nom tại quần thế tâm linh đó. Hiện tại chính quyền và các đoàn thể địa phương không thống nhất với nhân dân, với chúng tôi mà các vị ấy đang ép tôi và nhân dân phải chấp nhận mọi việc làm trên của họ trong khi hồ sơ pháp lý đã có đầy đủ trong tay chúng tôi. Xin hỏi: như vậy có đúng quy định pháp luật không? Chúng tôi phải làm gì khi quyền hợp pháp bị xâm phạm? chúng tôi có thể khởi kiện việc đó không? 

Trả lời: 
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu của anh, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo  Điều 26- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004

“Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó.”

Theo Điều 5- Thông tư liên tịch số: 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV Hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo:

“Điều 5. Trách nhiệm của người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có)

1. Hướng dẫn khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; theo nội quy, quy định của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Bảo vệ, giữ gìn trật tự, cảnh quan, môi trường, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Khi cảnh quan, môi trường có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị hư hại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; không tổ chức hoặc để người khác tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan và vi phạm pháp luật.

4. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện nếp sống văn minh theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại cơ sở.”

Như vậy, khi những người dân có hành vi làm xáo trộn nơi thờ tự, tự thay chìa khóa, tế lễ… mà không được sự cho phép của trụ trì là vi pham pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo 2004. Người trụ trì có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn trật tự trong đền theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch Số: 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV, ngoài ra nếu hội người cao tuổi và chính quyền thôn vẫn ngang nhiên tiếp tục những hành vi sai trái đó thì trụ trì có thể báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể là Uỷ ban nhân dân nơi có ngôi đền để giải quyết căn cứ theo khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch Số: 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV. 

"3. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nếp sống văn minh ở các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại địa phương, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện đúng quy định của pháp luật;

b) Đảm bảo việc giữ gìn an ninh trật tự, cảnh quan môi trường tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo;

c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn."



Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xâm phạm cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV. Vũ Thị Mỹ Duyên- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo