Triệu Lan Thảo

Xác định lại dân tộc là gì? Quy định về xác định dân tộc thế nào?

Bố mẹ có hai dân tộc khác nhau thì con xác định dân tộc như thế nào? Những trường hợp nào cá nhân có quyền xác định lại dân tộc? Thủ tục thay đổi ra sao? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề quyền xác định lại dân tộc qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Mỗi cá nhân đề có quyền xác định và xác định lại dân tộc của mình. Pháp luật có quy định một số trường hợp cá nhân có quyền xác định lại dân tộc. Khi cá nhân có nhu cầu xác định lại dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để tìm hiểu về vấn đề này, anh/chị có thể tham khảo Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật liên quan hoặc liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra anh/chị có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để vận dụng linh hoạt vào trường hợp của mình.

2. Tư vấn quyền xác định lại dân tộc

Câu hỏi tư vấn: Tôi có thắc mắc mong luật minh gia giải đáp giúp tôi: Bố tôi là dân tộc Kinh, mẹ tôi là dân tộc Tày, khai sinh tôi mang dân tộc Kinh, nhưng khi tôi 15 tuổi thì bố mẹ tôi có chuyển đổi dân tộc tôi sang dân tộc Tày, hiện tại tôi 20 tuổi, tôi có đến cơ quan huyện nơi đăng kí hộ tịch để yêu cầu chuyển lại sang dân tộc Kinh , nhưng bên ủy ban họ lại không đồng ý với yêu cầu của tôi, mỗi người chỉ được chuyển 1 lần và không cho chuyển lại dân tộc nữa, theo luật thì vẫn được xác định lại dân tộc của mình chứ ạ. Mong Luật Minh Gia giải đáp giúp tôi với ạ..

Nội dung tư vấn: Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền xác định lại dân tộc

Căn cứ thông tin anh/chị cung cấp, anh/chị có nhu cầu xác định lại dân tộc. Tuy nhiên khi anh/chị làm thủ tục này thì cán bộ hộ tịch tại Ủy ban từ chối thực hiện với lý do anh/chị đã xác định lại dân tộc vào năm 15 tuổi. Điều 29 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền xác định, xác định lại dân tộc như sau:

“Điều 29. Quyền xác định, xác định lại dân tộc

1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.

2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.

…”

Đối chiếu với quy định nêu trên, anh/chị có quyền xác định lại dân tộc của mình theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau. Do cha anh/chị dân tộc Kinh, mẹ anh/chị dân tộc Tày nên anh/chị có thể xác định lại dân tộc theo trường hợp này.

Pháp luật hiện hành không có quy định giới hạn số lần một cá nhân được xác định lại dân tốc. Do đó, anh/chị vẫn có quyền xác định lại dân tộc dù anh/chị đã thay đổi 1 lần vào năm 15 tuổi. Cán bộ hộ tịch từ chối thực hiện thủ tục này là trái với quy định của pháp luật.

Thứ hai, về thủ tục xác định lại dân tộc

Thẩm quyền xác định lại dân tộc được quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch 2014:

“Điều 46. Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.

…”

Để thực hiện thủ tục này, anh/chị cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc (theo mẫu);

- Giấy tờ chứng minh dân tộc của bản thân và cha, mẹ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng anh/chị ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho anh/chị. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo