Hoài Nam

Trường hợp di chúc giả mạo thì xử lý thế nào?

Người e út đưa ra bản di chúc có dấu vấn tay của người mẹ, có dấu xác nhận của ủy ban nhân dân xã , nhưng người anh trai lại cho rằng bản di chúc đó là giả mạo thì giải quyết thế nào?

 

Gia đình tôi có  5 anh chị em, 3 nữ, 2 nam (tôi và em trai út), các chị lấy chồng đều ra ở riêng, tôi thì công tác và định cư ở Hà Nội, còn em trai út là sinh sống cùng bố mẹ. Sinh thời bố mẹ tôi sở hữu khá nhiều ruộng đất. Bố tôi mất đã lâu, còn mẹ tôi mất đột ngột năm 2012 nên tôi không rõ mẹ tôi có để lại di chúc phân chia tài sản thừa kế cho các anh chị em tôi không. Đến năm 2016, em trai tôi gọi mọi người trong gia đình về họp mặt. Tại đây, em trai tôi đưa ra 7-8 văn bản viết dưới dạng di chúc từ các năm 2007 - 2008, có nội dung mẹ tôi phân chia toàn bộ tài sản ruộng, đất cho em trai tôi, mà không cho 4 chị em tôi. Các văn bản này có chữ ký, và dấu xác nhận của UBND xã, chữ ký của hai người làm chứng, và dấu văn tay của mẹ tôi. Lưu ý là mẹ tôi không biết chữ nên toàn bộ các văn bản đều do em trai tôi viết. Tôi nghi ngờ nội dung văn trên nên đã có quá trình gặp gỡ những người liên quan để xác minh bản di chúc thì được biết: Vì mẹ tôi không biết chữ nên theo quy định phải có hai người làm chứng, tuy nhiên khi tôi gặp những người làm chứng này (là những người ở gần nhà tôi)  và đưa ra các bản photo di chúc mà em tôi đang giữ, họ đều xác nhận có trước đây họ có xác nhận làm chứng cho mẹ tôi một văn bản có nội dung phân chia tài sản cho anh chị em tôi do em trai tôi viết có nội dung khác với những văn bản em tôi đang giữ, và khẳng định những chữ viết và chữ ký tên họ không phải do họ viết mà do em trai tôi giả mạo. Còn với những người lãnh đạo ở UBND xã đã xác nhận chứng thực vào các văn bản trên, họ nói quá trình xác nhận chỉ có một mình mẹ tôi mang các văn bản này đến xã xác nhận, không có mặt những người làm chứng đi cùng. Cũng xin nói thêm với luật sự là mẹ tôi là công dân khiếu kiện kéo dài nhiều chục năm, "có tiếng" ở xã nên ở xã ký xác nhận các đơn thư khiếu kiện của mẹ tôi là rất nhiều, trong đó có cả nội dung văn bản di chúc mà em trai tôi đang giữ. Khi tranh cãi xảy ra giữa tôi và em trai tôi, tôi đề nghị em trai tôi mang các văn bản di chúc này đi giám định theo các yêu cầu cần thiết để xác đinh văn bản này có giá trị hay không giá trị. Nhưng em tôi nhất quyết không đồng ý với lý do e sợ tôi can thiệp, "bắt tay với cơ quan chức năng" để hủy bỏ hay làm thất lạc những văn bản di chúc này. Sau đó, em tôi lại tiếp túc đưa ra văn bản viết năm 2009 khác có nội dung mẹ tôi chuyển tất cả các tài sản viết trong những di chúc trước sang hình thức cho tặng tài sản nên em tôi cho rằng những tài sản này đã thuộc về em tôi từ năm 2009 rồi. Trong văn bản này, có điểm chỉ của mẹ tôi và chứng thực của UBND xã, không có chữ ký của người làm chứng như những văn bản trước. Tuy nhiên, trong văn bản này chỉ trích dẫn các tiêu đề văn bản di chúc trước đó mà không ghi rõ ràng, cụ thể mẹ tôi cho tặng em trai tôi thửa ruộng, đất diện tích, vị trí như thế nào. Đại ý như "Tôi là Nguyễn Thị M chuyển tất cả các tài sản có trong các văn bản: Di chúc A ngày x/x/2007, Di chúc B ngày x/x/2008... thành sang cho tặng vĩnh viễn từ thời điểm này cho con trai tôi Nguyễn Văn H" (tôi đã gặp lãnh đạo xã người xác nhận vào văn bản này thì ông ấy nói khi xác nhận mẹ tôi không mang theo những văn bản di chúc trước đó để đối chiếu, tôi thấy các làm việc của lãnh đạo địa phương có phần thiếu trách nhiệm nên em tôi lợi dụng để trục lợi). Em trai tôi cho rằng chỉ cần giám định văn bản này là đầy đủ, không cần giám định những văn bản di chúc trước kia nữa. Điều này càng khẳng định em tôi có sự lừa gạt, giả mạo di chúc thừa kế, tuy nhiên có điều khó ở đây tôi thấy chữ ký và con dấu của lãnh đạo xã xác nhận đều là đúng. Em tôi lợi dụng vấn đề này làm căn cứ nói đây là di chúc có giá trị pháp lý và hợp pháp. Xin luật sự giải quyết vụ việc này giúp tôi

 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì mẹ của anh/chị có lập di chúc vào các năm 2007-2008, do vậy, để xác định tính hợp pháp của bản di chúc đó thì sẽ áp dụng Bộ luật dân sự 2005, cụ thể tại Điều 652 quy định: 

 

"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

 

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

 

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

 

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực."

 

Như vậy, di chúc được coi là hợp pháp nếu đáp ứng được các điều kiện quy định trên. Nếu bạn có sự nghi ngờ về tính hợp pháp của bản di chúc mà người em út đưa ra thì bạn có thể kiểm chứng về tính hợp pháp của bản di chúc. Trong trường hợp nếu chứng minh bản di chúc được lập sau cùng mà mà không đáp ứng các điều kiện như: chứng minh tại thời điểm lập di chúc, người viết di chúc không còn minh mẫn; câu chữ trong tờ di chúc mâu thuẫn, khó hiểu, bị sửa chữa, bôi xóa; chữ ký trong tờ di chúc không phải là chữ ký của người lập di chúc … vv và vv…Ngoài ra nếu bản di chức đó đã có dấu xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mặc dù vậy bạn vẫn có thể chứng minh bản di chức đó là không hợp pháp theo nhũng căn cứ nêu tại điều luật trên.

 

Để chứng minh các vấn đề trên, có nhiều nội dung không nhất thiết phải cần giám định, thông thường, đối với di chúc người ta chỉ giám định chữ ký hay dấu vân tay. Còn chữ viết thì không mang ý nghĩa quan trọng, vì người lập di chúc có thể nhờ người khác viết dùm hay đánh máy vi tính chẳng hạn.

 

Còn việc giám định sẽ được thực hiện ở giai đoạn vụ việc đã đưa ra tòa án. Khi đó, bên phản bác giá trị của bản di chúc sẽ phải làm Đơn yêu cầu giám định gửi cho Tòa án. Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định - chẳng hạn là đối với chữ ký trên tờ di chúc. Thông thường, cơ quan giám định là cơ quan thuộc Bộ công an, của Nhà nước.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vy Diễm - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo